Quất Tứ Liên chìm trong biển nước, có những hộ dân nguy cơ thiệt hại cả tỉ đồng

Ảnh hưởng sau bão số 3, mưa lớn kéo dài khiến mực nước sông Hồng dâng cao đột ngột, gây ngập lụt nghiêm trọng tại một số khu vực ở Thủ đô. Hàng nghìn gốc quất tại phường tứ Liên, quận Tây Hồ đang trong tình trạng chìm trong biển nước, người dân phải đối mặt với nguy cơ mất trắng.

 Hàng nghìn gốc quất tại phường Tứ Liên chìm trong biển nước
 

Theo Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hà Nội, mực nước trên sông Hồng, sông Đuống đang ở mức cao, nước lũ gây ngập lụt sâu, ảnh hưởng đến an toàn tính mạng và tài sản của người dân tại một số quận, huyện gồm: Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Long Biên,...

Nước vẫn còn ngập khá sâu tại khu vực phường Tứ Liên 
Ghi nhận của phóng viên vào chiều 12/9, tuy mực nước được người dân đánh giá là đã rút bớt nhưng ở nơi sâu nhất nước vẫn ngập tới gần vai một người trưởng thành. 
 Các cây quất đã được người dân kê lên cao nhưng vẫn khó tránh khỏi tình trạng ngập úng do nước dâng cao

Bà T. (một hộ dân trồng quất tại Tứ Liên) nhìn ra vườn quất lắc đầu ngao ngán: 

“Tôi làm nông nghiệp, gắn bó với công việc trồng quất từ ngày con tôi còn bé xíu, phải đem nó đi gửi để đi làm, đến nay nó đã 41, 42  rồi.

Nhưng chưa năm nào lũ lớn, mất mùa như năm nay. Thế này thì coi như mất hết, mất cả rồi còn đâu.

Năm nay chết đói… đói rồi. Không biết là có còn được cái gì không nữa.”

 Bà T. lo lắng vì phải đối mặt với nguy cơ mất trắng cả vườn quất

Chia sẻ thêm, bà T. cho biết, đây vẫn chưa phải là đoạn bị ngập sâu:

“Đoạn sâu nhất ở phía trên kia kìa, trên ấy người ta mất tất. Nhà nào cũng phải vài trăm triệu tiền giống vốn. Có khi là cả tỉ bạc chứ có ít đâu. 

Riêng mua ang đã là 2 - 3 triệu/ cái ang rồi, có nhà hàng nghìn gốc, chưa tính tiền giống vốn, tiền phân bón, thuốc sâu cho cây...

Ở nhà mình dưới đây có khoảng hơn 500 lọ thôi, cũng rơi vào khoảng 200 triệu tiền giống vốn. 

Mấy hôm rồi mưa to, ngày phải thay đến mấy bộ quần áo. Cứ bê từ ngoài kia (bà chỉ tay ra vườn trước mặt) vào chỗ cao xong lại bê từ chỗ cao nâng lên cao hơn, cuối cùng cũng “thủm thùm thum” hết. 

Đoạn này còn cao đấy, chứ chỗ sâu phải đến thắt lưng tôi. Dưới kia có những cây giờ chỉ còn thấy ngọn.

Khổ lắm! Khổ vô cùng.” 

 Đầy rẫy những chum sành chum sứ chồng chéo lên nhau
 

Dọc theo con đường hai bên ngổn ngang những cây ngập trong nước, chum sành chum sứ vỡ la liệt, không cẩn thận còn bị mảnh chum vỡ cứa vào chân. Đồ đạc người dân nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Vườn quất Tứ Liên lúc này trông không khác một khu “rừng ngập mặn”. 

Người dân lúc này chỉ còn hy vọng có thể nhanh chóng tìm ra phương án để kịp thời phục vụ mùa Tết Nguyên đán sắp tới
Càng đi, nước mỗi lúc càng sâu hơn, chú K. (hộ dân trồng quất tại khu vực phường Tứ Liên) lắc đầu:

“Bây giờ gọi đúng là còn nước thì còn tát thôi chứ “đi” cả vườn rồi. 

Gần 1000 gốc quất đi hết rồi. Đây này, mấy cây đổ thế này là coi như hỏng.

Nhà nào chạy được 1 ít thì còn đỡ chứ nước nó ngập vào tán là không ăn thua.”

 Loạt gốc quất hoàn toàn chìm trong biển nước
 

Trong bối cảnh được người dân đánh giá là “nước rút nhưng vẫn chưa ăn thua”, những hộ gia đình trồng quất ở khu vực phường Tứ Liên vẫn gồng mình cố gắng cứu từng gốc quất mỗi ngày. Có lẽ hiện tại, điều mong mỏi nhất của người dân là nước rút nhanh chóng để có thể tìm ra phương án tối ưu nhất với hy vọng kịp thời phục vụ mùa Tết Nguyên đán 2025.

 
Phương Thảo - Thảo Uyên