Nhu cầu lớn về nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn
Thông tin tại phiên thảo luận Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, năm 2024 sẽ tuyển sinh đào tạo trên 1.000 sinh viên lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn và khoảng 7.000 ở các lĩnh vực liên quan.
Bộ trưởng cho biết, con số này sẽ tăng dần tư 20% đến 30% mỗi năm. Việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn là trọng trách, sứ mệnh của ngành giáo dục để phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đổi mới công nghệ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.
Theo dự báo của Chính phủ, nhu cầu nhân lực ngành bán dẫn là 50.000-100.000 người đến năm 2030, với trình độ và lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, hiện nay, có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn, trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Dự kiến thời gian tới, nhu cầu nhân lực ngành này sẽ tăng hơn.
Vụ Giáo dục Đại học cho biết, trong 5 năm tới, nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực chip bán dẫn vào khoảng 20.000 người và 10 năm tới có thể lên tới khoảng 50.000 người từ trình độ đại học trở lên. Hiện số nhân lực thiết kế vi mạch có khoảng 5.000 người.
Theo giới chuyên ngành, nhu cầu đào tạo trong một vài năm tới khoảng 3.000 người/năm, trong đó số tốt nghiệp sau đại học chiếm ít nhất 30%, bao gồm cả kỹ sư bậc 7, thạc sĩ, tiến sĩ.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 35 cơ sở giáo dục đại học đào tạo trực tiếp ngành bán dẫn hoặc ngành gần như công nghệ thông tin, điện tử viễn thông. Sinh viên học những ngành gần có thể bổ túc, chuyển đổi để có ngay nhân lực đảm nhiệm công việc trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, các trường đại học cũng tổ chức mạng lưới để chia sẻ kinh nghiệm, thiết kế chương trình. Bộ Giáo dục và Đào tạo tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Bộ đã ký hiệp định với Intel và nhiều doanh nghiệp khác để xác định chính xác nguồn nhân lực cho các nhóm, từ đó đào tạo sát nhu cầu, tránh tuyển sinh ào ạt gây dư thừa.
|
Nhu cầu lớn về nhân lực chất lượng cao ngành công nghiệp bán dẫn |
Nhiều Đại học bắt đầu tuyển sinh ngành công nghiệp bán dẫn
Hiện Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng Chương trình phát triển Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thành trung tâm đào tạo, nghiên cứu, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo hàng đầu châu Á trong lĩnh vực công nghiệp bán dẫn giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến 2045.
Đại học này đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới.
Liên quan đến nguồn nhân lực về thiết kế vi mạch, một số trường Đại học đã đào tạo theo hướng chuyên ngành nhiều năm nay.
Ví dụ, Đại học Bách khoa Hà Nội từ nhiều năm nay đã có một số ngành đào tạo liên quan đến lĩnh vực thiết kế - chế tạo chip và linh kiện điện tử - bán dẫn như Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, chuyên ngành Kỹ thuật Điện tử, đào tạo về thiết kế IC, VLSI và các hệ nhúng liên quan đến thiết kế chip và linh kiện điện tử - bán dẫn; Vật lý kỹ thuật, chuyên ngành về vật liệu điện tử liên quan đến chế tạo chip và linh kiện điện tử - bán dẫn; Kỹ thuật Vật liệu có mô-đun đào tạo về vật liệu liên quan đến chế tạo vi điện tử và bán dẫn.
Năm 2023, Đại học Bách khoa Hà Nội lần đầu tiên tuyển sinh chương trình đào tạo "Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano" đã thu hút được rất đông thí sinh đăng ký.
Đại học Quốc gia Hà Nội cũng có chương trình đào tạo sâu về thiết kế vi mạch, chủ yếu ở bậc cao học như chương trình thạc sĩ Vật lý, chuyên ngành Công nghệ bán dẫn; thạc sĩ và tiến sĩ Kỹ thuật điện tử.
Ở bậc Đại học, sinh viên được học về các vật liệu bán dẫn, vật liệu và công nghệ nano trong chương trình ngành Khoa học vật liệu.
Ngoài ra, sinh viên Vật lý, Kỹ thuật điện tử và Tin học cũng được đào tạo một số nội dung có liên quan.
Tương tự, Trường Đại học Công nghệ thông tin Thành phố Hồ Chí Minh có ngành kỹ thuật máy tính tập trung đào tạo kỹ sư chuyên sâu về thiết kế vi mạch và hệ thống nhúng từ năm 2006.
Đến năm 2023, trường có khoảng 400 kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành thiết kế vi mạch làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Đặc biệt từ năm nay, trường đã cho phép tuyển sinh riêng đối với chuyên ngành thiết kế vi mạch trình độ Đại học.