Hiến pháp là đạo luật cao nhất của nhà nước Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, được quy định những nguyên tắc cơ bản định hướng các thể chế chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, ngoại giao, văn hoá, xã hội, các quyền nghĩa vụ của công dân, và thẩm quyền hoạt động của bộ máy nhà nước…

Các văn bản pháp luật khác không được trái với Hiến pháp. Kể từ ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đến nay, nước ta đã có 5 bản Hiến pháp đó là: Hiến pháp 1946, Hiến pháp 1959, Hiến pháp 1980, Hiến pháp 1992 (sửa đổi bổ sung năm 2001) và Hiến pháp năm 2013. 

Bởi vậy, sửa đổi Hiến pháp lần này là sự kiện chính trị - pháp lý có ý nghĩa, tầm quan trọng đặc biệt, quy định sự phát triển của đất nước.

Tuy nhiên, để kịp thời triển khai các công việc liên quan theo chủ trương, định hướng của Đảng về đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, việc sửa đổi Hiến pháp lần này chưa đặt vấn đề sửa đổi toàn diện mà chỉ tập trung vào các nội dung theo chủ trương chủ Đảng.

Các nội dung được sửa đổi, bổ sung bao gồm 8/120 điều của Hiến pháp 2013 liên quan đến các quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội tại các Điều 9, 10, và 84 và các quy định về đơn vị hành chính, tổ chức chính quyền địa phương tại Chương IX. 

Điều kiện tiếp tục cụ thể hoá

Trước hết về tổ chức đơn vị hành chính, Hiến pháp 2013 quy định đơn vị hành chính của nước ta theo ba cấp với hơn 10 loại có tên gọi khác nhau. Mô hình này đã tồn tại qua nhiều giai đạn lịch sử - hành chính, đã phát huy vai trò, đóng góp tích cực trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng, phát triển đất nước.

Nhưng mô hình này hiện cũng đã bộ lộ nhiều hạn chế như:  chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, gây lãng phí nguồn lực, chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của từng đơn vị hành chính và việc duy trì cấp trung gian khiến mệnh lệnh quản lý từ chính quyền cấp tỉnh xuống tới cấp xã triển khai chậm, không phù hợp với xu thế chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và hội nhập quốc tế dẫn đến hiệu quả không cao.

Theo dự thảo bổ sung Điều 110 của Hiến pháp năm 2013, các đơn vị hành chính của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam gồm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt do Quốc hội thành lập.

Như vậy, Hiến pháp chỉ quy định về nguyên tắc mô hình địa phương hai cấp, không quy định quá chi tiết về hệ thống các đơn vị hành chính với tên của từng loại đơn vị ở từng cấp như hiện nay.

Bên cạnh đó, việc xác định các loại đơn vị hành chính dưới tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và trình tự, thủ tục thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính do Quốc hội quy định sẽ tạo sự linh hoạt, điều kiện để tiếp tục cụ thể hoá trong các luật liên quan, nhất là Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Đồng thời, bảo đảm đồng nhất với quy định tại khoản 8 Điều 74 và khoản 4 Điều 96 của Hiến pháp hiện nay.

Sửa đổi hiến pháp 2013 là một sự kiện lớn, quan trọng của đất nước 

Trung tâm khối đại đoàn kết toàn dân

Về tổ chức, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Mặt trận) và các tổ chức chính trị - xã hội, Điều 9 của Hiến pháp năm 2013 xác định Mặt trận là tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và vác cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (khoản 1 Điều 9), nguyên tắc hoạt động cơ bản của Mặt trận và các tổ chức thành viên là phối hợp và thống nhất hành động trong Mặt trận (khoản 2 Điều 9). Mặt trận có chức năng giám sát và phản biện xã hội đối với sự quản lý, điều hành của cơ quan nhà nước.

Khi thực hiện tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại các đơn vị hành chính, việc giám sát và phản biện xã hội đòi hỏi phải mạnh mẽ hơn. Mặt trận sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong tăng cường giám sát việc thực thi chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước ở các cấp chính quyền, giúp bảo đảm tính minh bạch, công khai và trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước.

Các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung đã làm rõ vai trò cốt lõi của Mặt trận, nhấn mạnh vị trí là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dânm bảo đảm cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hôi.

Quy định về vị trí, chức năng, nguyên tẳ tổ chức và hoạt động của Mặt trận cũng được đề nghị sửa đổi, bổ sung để để bảo đảm phù hợp với mô hình tổ chức mới khi sắp xếp các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc.

Đây là điều kiện Hiến định trong việc đổi mới tổ chức bộ máy của Mặt trận và các tổ chức chính trị xã hội. Việc chuyển đổi mô hình tổ chức được kỳ vọng sẽ khắc phục tình trạng trùng lặp nhiệm vụ giữa các tổ chức, qua đó nâng cao hiệu lực và hiệu quả trong quá trình triển khai nhiệm vụ nhất là trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh cải cách thể chế.

Hình thức giám sát và chất vấn

Đây là quy định về HĐND có quyền chất vấn TAND, viện trưởng Viện KSND. Dự kiến sẽ không tổ chức toà àn và viện kiểm sát cấp huyện mà thay thế bằng toà án, viện kiểm sát khu vực (các đơn vị này không gắn với đơn vị hành chính cụ thể).

Do đó, dự thảo sửa đổi quy định của Hiến pháp theo hướng không quy định chánh án và viện trưởng thuộc phạm vi chất vấn của HĐND.

Cơ sở của đề xuất này là chất vấn không phải hình thức giám sát duy nhất của HĐND, nếu không thực hiện chất vấn, đại biểu HĐND vẫn có quyền kiến nghị với các cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị ở địa phương (trong đó có toà án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân) và người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm xem xét, giải quyết kiến nghị của địa biểu và như thế vẫn bảo đảm cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước.

Tuy nhiên, vẫn có ý kiến đề nghị cân nhắc nội dung này vì chất vấn là một hình thức giám sát rất quan trọng, xuất pháp từ bản chất của Nhà nước ta là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nếu Hiến định quyền chất vấn các cơ quan thực hiện quyền hành pháp mà chưa thực hiện chất vấn đối với cơ quan tư pháp ở địa phương là chưa phù hợp mà phải làm rõ hơn nữa, thật cụ thể về vấn đề này.

Tiến sĩ, Luật sư Nguyễn Thắng Cảnh