Cùng với các tổ cảnh sát giao thông phụ trách địa bàn, các tổ công tác đặc biệt, Công an thành phố cũng được triển khai trên các tuyến đường trung tâm thành phố. Đại tá Trần Đình Nghĩa, Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, thời gian qua, tình trang học sinh vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) có nhiều diễn biến phức tạp, gây nên nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21-12-2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.
Phòng Cảnh sát giao thông đã ban hành Kế hoạch cao điểm bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh trên địa bàn Thành phố.
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an; Kế hoạch số 4897/KH-C08-P1 ngày 24-9-2024 của Cục Cảnh sát giao thông; Kế hoạch số 304/KH-CAHN ngày 30-9-2024 của Công an thành phố Hà Nội về cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh, từ ngày 1-10, lực lượng CSGT sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp với chính quyền, nhà trường, các tổ chức chính trị xã hội tổ chức tuyên truyền quy định của pháp luật về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; các kỹ năng an toàn giao thông cho các em học sinh các cấp trên địa bàn Thủ đô.
Ghi nhận, trong sáng ngày 10-1, cùng với các tổ công tác ứng trực trên các tuyến đường, Phòng Cảnh sát giao thông cũng tổ chức tuyên truyền tại các điểm trường trên địa bàn.
Tại trường THPT Lam Hồng, huyện Sóc Sơn, hàng nghìn cô trò nhà trường đã được tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông. Qua đó các em học sinh đã được nắm rõ kỹ năng không điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi. Sau buổi tuyên truyền, mỗi học sinh đều là những tuyên truyền viên tích cực tuyên truyền lại cho chính phụ huynh và gia đình những kiến thức cơ bản bảo đảm an toàn giao thông. Trên các tuyến phố trung tâm, vào ca trực sáng 1-10 qua kiểm tra vẫn còn nhiều trường hợp học sinh và phụ huynh vi phạm.
Các lỗi vi phạm chủ yếu vẫn là không đội mũ bảo hiểm, chở người quá quy định, phụ huynh giao xe máy cho con em sử dụng khi chưa đủ điều kiện… Điển hình là trường hợp em T.V.H (sinh năm 2010 ở quận Hai Bà Trưng) là học sinh lớp 9 một trường THCS trên địa bàn quận Hoàn Kiếm bị phát hiện điều khiển mô tô biển kiểm soát 29C2 - 044.xx khi chưa đủ tuổi.
|
Các lỗi cơ bản chủ yếu các em học sinh vi phạm |
Em H trình bày, lấy xe của anh trai đi học và cam kết sẽ không tái phạm. Còn chị N.T.V (ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sau khi bị xử lý về hành vi chở 2 con không đội mũ bảo hiểm đến trường đã cam kết không tái phạm.
Ngay sau đó chị V cho biết, đã mua vé tháng xe buýt để các con thuận tiện khi đến trường. Phòng Cảnh sát giao thông cho biết, việc kiểm tra, xử lý vi phạm phải được thực hiện triệt để và duy trì thường xuyên, liên tục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về giao thông của phụ huynh và các em học sinh.
Đối với những trường hợp học sinh vi phạm, gửi thông báo về cho nhà trường để có hình thức xử lý và biện pháp giáo dục phù hợp theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 21-12-2023.
Ngoài việc tăng cường tuần tra kiểm tra, Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường lực lượng duy trì, bảo đảm TTATGT khu vực cổng các trường học, nhất là thời gian đầu và cuối giờ học nhằm tuyên truyền, giáo dục, xử lý các trường hợp học sinh, phụ huynh học sinh dừng, đỗ xe sai quy định dưới lòng đường, trên hè phố, khu vực đường ngang gây ùn tắc giao thông, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Trước đó, từ ngày 5-9 đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông đã phối hợp với Công an cơ sở, trường học trên địa bàn Thành phố tổ chức nhiều buổi học ngoại khoá, tuyên truyền pháp luật về TTATGT cho hơn 23.000 học sinh các cấp và hàng nghìn giáo viên.
Qua công tác tuần tra, đã phát hiện, xử lý 1.534 trường hợp học sinh vi phạm, tạm giữ 807 phương tiện các loại. Các vi phạm điển hình là không đội mũ bảo hiểm (1.411 trường hợp), chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện (186 trường hợp) và giao xe cho người chưa đủ điệu kiện (51 trường hợp).