Huy động trái phiếu để …cơ cấu nợ
Liên quan đến vụ lùm xùm “khất nợ” trái phiếu SaiGon Glory, một thông tin đáng chú ý: Công ty này đã sử dụng 9.915 tỷ đồng trên tổng số 10.000 tỷ đồng trái phiếu để cơ cấu nợ.
Cụ thể, trong công văn gửi Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội về việc công bố thông tin định kỳ về tình hình thanh toán gốc lãi các lô trái phiếu từ SGL-2020.01 đến SGL-2020.10 (10 lô) có giá trị 10.000 tỷ đồng, SaiGon Glory cho biết về tình hình sử dụng vốn và tiến độ giải ngân.
Trong đó, Công ty này dành 9.915 tỷ đồng để cơ cấu các khoản nợ và chỉ giải ngân 85 tỷ đồng để đầu tư các chương trình, dự án. Tính theo tỷ lệ thì con số lần lượt là 99,15% và 0,85%.
|
Công ty này đã sử dụng 9.915 tỷ đồng trên tổng số 10.000 tỷ đồng trái phiếu để cơ cấu nợ
|
Tại bản công bố thông tin về phát hành trái phiếu theo phương thức riêng lẻ, mục đích phát hành các lô trái phiếu của SaiGon Glory nhằm tăng quy mô vốn hoạt động, thực hiện chương trình, dự án đầu tư và cơ cấu lại khoản nợ của Tổ chức Phát hành.
Tuy nhiên trong bản công bố này, phía Công ty không làm rõ tỷ lệ phân bổ tiền trái phiếu cho các hoạt động khác nhau.
Mặc dù theo quy định của pháp luật mục đích phát hành trái phiếu bao gồm các thông tin cụ thể về chương trình, dự án đầu tư (trong đó nêu cụ thể về tình trạng pháp lý và các rủi ro đầu tư của chương trình, dự án); khoản nợ được cơ cấu (cụ thể giá trị, kỳ hạn của khoản nợ được cơ cấu).
|
Trái chủ vẫn tập trung gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng yêu cầu giải quyết |
Trái chủ “ngậm đắng nuốt cay”
Trước những thông tin này, nhiều trái chủ tỏ ra bất ngờ và bức xúc khi phần lớn số tiền họ đầu tư trái phiếu lại được Công ty dùng để trả nợ.
Họ cho rằng có sự mập mờ trong công bố thông tin ban đầu khiến nhà đầu tư hiểu lầm rằng đợt huy động trái phiếu của Công ty SaiGon Glory dùng để đầu tư và xây dựng dự án dự án The Spirit of Saigon.
Dự án The Spirit of Saigon (tên trước đây là The ONE HCM) là dự án thứ hai của Công ty TNHH Tập đoàn Bitexco tại TP. HCM sau tháp tài chính Bitexco được hoàn thành vào năm 2010.
Dự kiến khi hoàn thành vào năm 2024, The Spirit of Saigon sẽ cung cấp ra thị trường hơn 31.800 m2 sàn bán lẻ, 17.300 m2 sàn văn phòng cho thuê, khoảng 250 phòng khách sạn và 350 căn hộ. Các căn hộ có diện tích từ 90 m2 – 275 m2.
Trước đây, dự án do Bitexco làm chủ đầu tư, sau này là công ty con của Bitexco – Saigon Glory, còn Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Uniprime làm đơn vị phát triển dự án và Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Mã: CTD) làm tổng thầu thi công.
Dự án từng có thời gian dài ngừng thi công và được khởi động lại từ tháng 6/2020.
Đây cũng là thời điểm, Saigon Glory liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu với tổng giá trị khoảng 10.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên thay vì sử dụng số tiền huy động được để tiếp tục hoàn thành dự án The Spirit of Saigon thì Công ty này lại dùng phần lớn tiền trái phiếu để trả nợ.
Đến nay, dự án The Spirit of Saigon đang trong tình trạng “đắp chiếu” gần 2 năm nay do không có đủ tiền xây dựng.
|
Nhiều trái chủ bức xúc vì rơi vào cảnh tiền mất, tật mang |
Trong khi chờ đợi phương án giải quyết từ các bên liên quan, cuộc sống của hàng nghìn trái chủ lâm vào tình trạng khó khăn, nợ nần.
Chị P.Lam (TPHCM) một nhà đầu tư trái phiếu kể, chị đã dùng 5 tỷ đồng mua trái phiếu thuộc lô SGL-2020.02 do Công ty TNHH Saigon Glory (công ty con của Bitexco, sau đây gọi tắt là Saigon Glory) phát hành.
Mục đích phát hành để thực hiện dự án The Spirit of Saigon - Khu văn phòng, thương mại, dịch vụ, căn hộ, khách sạn 6 sao ngay trung tâm quận 1, TPHCM, đối diện chợ Bến Thành.
Tuy nhiên, chị Lam cho biết mới chỉ được trả 2 lần lãi trái phiếu, mỗi lần hơn 100 triệu đồng rồi không được trả thêm.
Thậm chí đã quá thời gian đáo hạn, Saigon Glory phải thanh toán gốc trái phiếu nhưng chị cũng không nhận được thông báo gì từ chủ đầu tư này.
Tiền gốc không được nhận, lãi cũng "mất hút", chị Lam cho biết việc này ảnh hưởng tới công việc và cuộc sống của gia đình chị.
"Saigon Glory từng gửi văn bản xin ý kiến gia hạn lô trái phiếu nhưng tôi không đồng ý. Tuy nhiên từ đó, công ty cũng không phản hồi gì.
Công ty không trả lãi, trả gốc cũng không thông báo với tôi. 5 tỷ đồng là khoản tiền lớn với gia đình tôi, tôi có thể bỏ qua phần lãi nhưng Saigon Glory phải trả lại số tiền gốc cho tôi", chị Lam nói.
Mới đây, đại diện người sở hữu trái phiếu (Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt), cùng ngân hàng tổ chức quản lý tài sản bảo đảm, ông Vũ Quang Bảo - Tổng giám đốc Saigon Glory - có cuộc họp vào ngày 6/10 tại trụ sở chính của Chứng khoán Tân Việt (Hà Nội).
Biên bản cho biết ngay trong cuộc họp, ngân hàng đề nghị Saigon Glory bàn giao tài sản bảo đảm (bàn giao hồ sơ và bàn giao thực địa, ký các hợp đồng ủy quyền theo yêu cầu để phục vụ việc bán đấu giá tài sản) trước ngày 31/10/2023.
Theo ý kiến của ngân hàng, trường hợp buổi đấu giá chưa diễn ra hoặc diễn ra chưa thành công, các bên có quyền thỏa thuận tìm người mua nhưng cần có sự chấp thuận của người sở hữu trái phiếu trước khi bán cho người mua đó.
Trường hợp phiên đấu giá diễn ra thành công, Saigon Glory không được quyền tìm kiếm người mua.
Theo điều khoản tại hợp đồng quản lý tài sản bảo đảm, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm sẽ được chi trả cho các khoản chi phí để xử lý tài sản bảo đảm, thuế, phí… sau đó sẽ được sử dụng thanh toán cho trái chủ.
Số tiền còn thừa (nếu có) sẽ được hoàn trả cho các bên bảo đảm.
Trường hợp số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm vẫn không đủ để thanh toán nghĩa vụ nợ trái phiếu thì Saigon Glory có nghĩa vụ thanh toán tiếp theo quy định tại Điều 307 Bộ Luật Dân sự.