Ngày 2/4, theo đúng kế hoạch, ông Trump công bố chính sách mới sẽ áp thuế cơ bản 10% đối với tất cả hàng hóa của các nước từ ngày 5/4 và áp thuế đối ứng với 60 nước kể từ ngày 9/4, trong đó Việt Nam ở mức 46% - thuộc nhóm các nước có mức thuế cao.

Chính sách này là một cú sốc lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sang Mỹ, mang ý nghĩa trở thành rào cản thương mại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới định hướng về nền kinh tế của Việt Nam.

Thực tế cho thấy, ngay lập tức, phản ứng tiêu cực diễn ra ở thị trường chứng khoán cho thấy sự lo ngại của các nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp Việt Nam phụ thuộc nhiều vào thị trường Mỹ - một trong những đối tác thương mại hàng đầu của chúng ta.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đạt khoảng 120 tỷ đô la Mỹ, con số biết nói này cho thấy một thực tế, Hoa Kỳ là một trong những thị trường đóng vai trò then chốt đối với nền kinh tế Việt Nam.

Những năm gần đây, biểu đồ tăng trưởng kinh tế Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ vào hoạt động xuất khẩu sôi động, cùng chính sách hấp dẫn thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài ổn định.

Các mặt hàng thuộc nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và một số hàng hóa khác có thể sẽ rơi vào tình trạng "lúng túng" trên thị trường, kết quả phải chịu những tổn thất lớn (Ảnh minh họa)

Tuy nhiên, trước sự thay đổi chính sách thương mại nhanh chóng, trong thời gian ngắn, các mặt hàng thuộc nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như đồ gỗ, điện tử, dệt may, da giày, thủy – hải sản và một số hàng hóa khác có thể sẽ rơi vào tình trạng “lúng túng” trên thị trường, kết quả phải chịu những tổn thất lớn.

Chỉ sau vài giờ sau khi chính sách mới được thông báo, Tổng thống Trump đã cho biết có hơn 75 quốc gia đã chủ động liên hệ với Mỹ để đàm phán các vấn đề thương mại. Đến ngày 10/4, vị tổng thống này quyết định tạm dừng áp thuế 46% trong 90 ngày và áp mức thuế đối ứng thấp hơn, chỉ 10% trong thời gian này.

Trong thời gian tới, việc tăng mức thuế suất sẽ ảnh hưởng lớn đến 5 nhóm ngành chính đang chiếm 64,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ năm 2024 như điện tử, dệt may, da giầy, gỗ và sản phẩm từ gỗ, nông - thủy - hải sản, thép và nhôm.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực chiếm trị giá tổng trị giá là hơn 98 tỷ USD và chiếm hơn 82%. Các doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu sang Mỹ trong 10 nhóm hàng, các nhóm hàng chủ lực thu về khoảng 77.200 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,8% tổng thu ngân sách. Trong đó phải kể đến Dệt may là 3 mặt hàng chủ lực của Việt Nam, với kim ngạch hơn 16 tỷ USD, chiếm 35-40% thị phần xuất khẩu dệt may của Việt Nam. Xuất khẩu gỗ chỉ sau trung Quốc. Tại Mỹ, xuất khẩu 38-40% tổng kim ngạch gỗ lên tới 9,4 tỷ USD, chiếm tỷ trọng cao. Mức thuế Việt Nam nhập từ Mỹ từ 15-25%.

Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ không chỉ chịu riêng mức thuế 46% mà còn phải chịu nhiều loại thuế khác như thuế trợ cấp, thuế chống phá giá... nên tổng thuế phải chịu tối đa lên đến 75%. Mặt khác, các doanh nghiệp Việt Nam thường sử dụng phương thức giao hàng CIF - chịu toàn bộ chi phí vận tải, bảo hiểm và thuế trước khi giao hàng cho đối tác - do đó, mức thuế mới của Mỹ tác động trực tiếp lên các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn.

Phản ứng của người “gác cổng” thương mại Việt Nam

Đứng trước vấn đề này, chúng ta cần phân tích và hiểu rõ nguyên nhân vì sao dẫn đến việc Việt Nam ta bị áp mức thuế đáng chú ý như vậy, từ đó tìm ra giải pháp, siết chặt công tác an ninh, kiểm tra xuất xứ, tăng cường giám sát chống gian lận thương mại, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp củng cố hồ sơ đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

 Cục Hải quan cần đánh giá một cách thực tiễn khách quan các mức thuế mà chúng ta đang áp đối với hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ, qua đó báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ tiến hành lộ trình giảm thuế suất thuế nhập khẩu (Ảnh minh họa)

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định sẽ không lùi bước trong việc áp thuế quan toàn diện với hàng nhập khẩu từ hầu hết các nước trên thế giới, trừ khi các nước cân bằng thương mại với Mỹ.

Vì vậy, Cục Hải quan cần đánh giá một cách thực tiễn khách quan các mức thuế mà chúng ta đang áp đối với hàng hoá nhập khẩu từ Mỹ, qua đó báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ tiến hành lộ trình giảm thuế suất thuế nhập khẩu.

Cục Hải quan, Cục Thuế sớm rà soát báo cáo Bộ Tài chính, Chính phủ, Quốc hội ban hành chính sách thuế để hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là về hoàn thuế sớm nếu đủ điều kiện, giãn thời gian nộp thuế, giảm thuế VAT….

Cục Hải quan cùng với doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp rà soát báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Công thương gỡ các rào cản về kỹ thuật. Tiếp cận, thúc đẩy xuất khẩu tại các thị trường tiềm năng khác như thị trường EU, Trung Đông...Ngoài ra cần tạo cơ hội về xúc tiến thương mại, tăng cường giao lưu với các thị trường khác... tạo cơ hội cạnh tranh ở các thị trường được cao hơn.

Hỗ trợ doanh nghiệp chủ động, linh hoạt cơ cấu lại ngành nghề, chuyển hướng thị trường phù hợp.

Đề nghị Bộ Công Thương rà soát, kiểm soát chặt chẽ xuất xứ hàng hoá, không để những việc đáng tiếc có thể xảy ra; Bộ Tài chính tăng cường trao đổi thông tin hải quan với phía Mỹ về các biện pháp phòng vệ thương mại, trốn thuế.

Tóm lại, con số "thuế đối ứng" mà Nhà Trắng công bố cần được hiểu đúng bản chất. Theo tính toán lý thuyết dựa trên nhiều giả định chung, thiếu thực tế. Bên cạnh đó, mức thuế này cũng không thể áp dụng đồng loạt lên tất cả các mặt hàng. Nếu áp dụng sẽ gây ra rủi ro kinh tế rất lớn cho các quốc gia, đặc biệt là làm gia tăng lạm phát và bất ổn kinh tế.

Trên thực tế, mức thuế 46% mà Tổng thống Donald Trump công bố áp lên hàng hóa Việt Nam là một con số mang tính biểu tượng, dựa trên thặng dư thương mại và các giả định đơn giản hóa về độ co giãn giá, nhưng thiếu cơ sở thuyết phục khi so sánh với thực tế thuế quan.

Công thức này không phản ánh mức thuế thực tế cho từng mặt hàng, và việc áp dụng nó sẽ không giúp Mỹ cân bằng cán cân thương mại hay thúc đẩy sản xuất trong nước như kỳ vọng, do các hạn chế về cấu trúc kinh tế và lợi thế cạnh tranh.

Hơn nữa, mức thuế cao như vậy sẽ gây rủi ro lạm phát lớn, khiến Mỹ khó có thể áp dụng một cách cứng rắn. Việt Nam hoàn toàn có cơ hội giảm mức thuế này thông qua các cuộc thương thảo song phương.

Điều này sẽ giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp và cả người dân tránh khỏi những hiểu lầm, và có cái nhìn chính xác hơn về bức tranh thương mại quốc tế đầy phức tạp hiện nay.

Hùng Tráng