Phát biểu khai mạc buổi Thảo luận, Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên nêu lên thực trạng, và đưa ra 5 vấn đề để các chuyên gia và các doanh nghiệp cùng thảo luận.
Theo ông Đỗ Xuân Tuyên chia sẻ, trong hai năm qua, ngành công nghiệp dược Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo cung ứng thuốc đầy đủ cho nhu cầu phòng, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.
 |
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên phát biểu khai mạc chương trình (Ảnh: BTC) |
Số lượng nhà máy thuốc tăng từ 228 lên 242, trong đó có 21 nhà máy đạt tiêu chuẩn EU-GMP, thuốc sản xuất trong nước bao gồm hơn 800 hoạt chất thuộc 13/13 nhóm thuốc thiết yếu theo phân loại của WHO, chiếm khoảng 60% về số lượng sử dụng và 46% về giá trị.
Chiến lược phát triển ngành dược đến năm 2030, tầm nhìn 2045 được cụ thể hóa tại Luật Dược (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, đặt mục tiêu đến năm 2030 sản xuất trong nước 80% lượng thuốc cần thiết và 70% giá trị thị trường.
Trong số những vấn đề và mục tiêu Bộ Y tế đặt ra, ông Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh:
“Trong thời gian tới phải đảm bảo thuốc mới, thuốc tốt, thuốc sinh học sớm đến tay người dân, quan trọng nhất là giá cả phù hợp, đồng thời thuốc phải đảm bảo chất lượng, không thể để trường hợp thuốc giả tràn lan trên thị trường.
Đồng thời, trong thời gian tới, Nhà nước sẽ tập trung hoàn thiện hệ thống pháp lý, triển khai các khu công nghiệp tập trung, ưu tiên cho khu công nghiệp dược - sinh học tại Thái Bình và khu công nghệ cao y dược tại TP.HCM; ưu tiên đầu tư vào các sản phẩm sinh học, vắc xin, biệt dược, công nghệ cao."
 |
Bà Hàn Thị Khánh Vinh - đại diện Vinapharm phát biểu tại buổi Thảo luận (Ảnh: BTC) |
Tại buổi Thảo luận, Bà Hàn Thị Khánh Vinh – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dược Việt Nam Vinapharm cũng cho rằng:
“Ngành dược đang chứng kiến sự thay đổi cấu trúc thị trường dược phẩm từ thuốc hóa dược sang dược phẩm sinh học (biologics) và tương tự sinh học (biosimilar). Theo EvaluatePharma, dược phẩm sinh học được dự báo sẽ chiếm tới 50% thị trường dược phẩm toàn cầu vào năm 2025 với doanh thu dự kiến đạt 375 tỷ USD1.
Quy mô thị trường thuốc sinh học tương tự (biosimilar) toàn cầu ước tính đạt 35,47 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 82,27 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm trong giai đoạn 2024-20292 là 18,32%.
Những xu hướng mới, tiên tiến như: Y học chính xác, ứng dụng công nghệ số đối với dược phẩm, hợp tác giữa các công ty dược và công nghệ, công nghệ gen, tái cấu trục chuỗi cung ứng,... sẽ là bước ngoặt chiến lược giúp định hình tương lai của toàn ngành.
Tổng công ty Dược Việt Nam đánh giá và cho rằng ngành dược sinh học Việt Nam đang đứng trước cơ hội chuyển mình mạnh mẽ, để Việt Nam không chỉ là thị trường tiêu thụ mà còn phát triển và sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học đáp ứng nhu cầu trong nước và đủ năng lực tham gia thị trường khu vực và toàn cầu.”
Cục Quản lý sẽ tham mưu chính sách để tăng tính hấp dẫn cho đầu tư, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường bảo vệ sở hữu trí tuệ và tạo hệ sinh thái hỗ trợ nghiên cứu - sản xuất.
Ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược Bộ Y tế, cũng cho rằng việc chuyển từ sản xuất thuốc generic sang thuốc sinh học sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp trong nước, nếu làm chủ được công nghệ, Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất thuốc sinh học trong khu vực và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.