Trong những năm gần đây, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 đã trở thành một cuộc đua căng thẳng, mang lại vô vàn áp lực cho học sinh và phụ huynh. Áp lực này không chỉ xuất phát từ sự cạnh tranh khốc liệt để giành được suất học tại các trường THPT công lập mà còn từ những quan niệm cố hữu về bằng cấp và sự thiếu nhận thức về các lựa chọn giáo dục khác ngoài THPT công lập.

Áp lực từ chỉ tiêu tuyển sinh: Cái vòng luẩn quẩn

Năm 2024, Hà Nội có khoảng 133 nghìn học sinh tốt nghiệp THCS, nhưng chỉ có hơn 77 nghìn chỉ tiêu vào lớp 10 công lập. Điều này đồng nghĩa với việc chỉ khoảng 60% học sinh có cơ hội vào các trường THPT công lập. Tại TP.HCM, dù Sở GD&ĐT đã tăng thêm 5.535 chỉ tiêu, số học sinh được vào THPT công lập vẫn chỉ ở mức 78,3%. Sự chênh lệch này đã tạo nên một áp lực lớn, biến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 thành một "cuộc đua" đầy căng thẳng và áp lực.

Sự cạnh tranh này dẫn đến một vòng luẩn quẩn: càng nhiều áp lực, phụ huynh càng lo lắng, học sinh càng phải học thêm, luyện thi nhiều hơn. Hệ quả là cả hệ thống giáo dục và gia đình đều bị cuốn vào vòng xoáy của áp lực thi cử, bỏ qua nhiều cơ hội giáo dục và phát triển khác.

 Tư duy cố hữu phải vào THPT sau khi học xong THCS khiến nhiều trẻ quá áp lực thi cử. Ảnh minh họa: ANTĐ

Trao đổi với phóng viên, thầy Phạm Văn Ân – Trưởng phòng Đào tạo  - Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương cho biết:

“Một trong những nguyên nhân chính khiến kỳ thi vào lớp 10 trở nên căng thẳng là tư duy trọng bằng cấp của phụ huynh. Nhiều gia đình vẫn giữ quan niệm rằng, con đường duy nhất dẫn đến thành công là vào được trường THPT công lập, sau đó là đại học. Quan niệm này không chỉ gây áp lực lớn lên học sinh mà còn làm giảm giá trị của các lựa chọn giáo dục khác như trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên hay THPT ngoài công lập.

Theo định hướng phân luồng, vào THPT công lập chỉ là một trong nhiều ngã rẽ của học sinh THCS. Tuy nhiên, tư duy cũ kỹ này vẫn còn ăn sâu.

 Phần lớn các tỉnh/thành có hơn 70% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học lên THPT, thậm chí có địa phương hơn 80%. Điều này cho thấy, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS vào học nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp vẫn còn thấp”.

Do vậy, theo thầy Ân, áp lực từ kỳ thi vào lớp 10 không chỉ ảnh hưởng đến hệ thống giáo dục và phụ huynh mà còn để lại nhiều hệ lụy nặng nề cho học sinh - những người chịu hậu quả trực tiếp.

Sức ép từ việc phải đạt thành tích cao trong kỳ thi khiến nhiều học sinh phải đối mặt với tình trạng căng thẳng, lo âu, thậm chí trầm cảm.

Thay vì có một tuổi thơ vui vẻ, hạnh phúc và phát triển toàn diện, nhiều em bị buộc phải dành phần lớn thời gian để học thêm, luyện thi, làm giảm thời gian nghỉ ngơi, vui chơi và phát triển các kỹ năng mềm quan trọng khác.

Ngoài ra, việc phải đối mặt với thất bại nếu không đỗ vào các trường THPT công lập cũng khiến nhiều học sinh mất tự tin, cảm thấy tự ti và áp lực nặng nề về mặt tâm lý.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến kết quả học tập hiện tại mà còn để lại những vết thương tâm lý lâu dài, ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện và khả năng hội nhập xã hội của các em trong tương lai.

Ngã rẽ không hề bằng phẳng với lứa tuổi thiếu niên

Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” của Chính phủ đặt mục tiêu đến 2025, ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp.

Trong thời gian qua, hệ thống cơ sở giáo dục kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp, dạy nghề đã được đầu tư phát triển; các trung tâm giáo dục thường xuyên cũng được chú trọng nâng cấp về cơ sở vật chất và đội ngũ để thu hút người học.

Tuy nhiên, tư duy học xong THCS phải vào THPT vẫn là rào cản lớn nhất. Điều này không chỉ làm giảm hiệu quả của các chương trình phân luồng mà còn bỏ lỡ nhiều cơ hội phát triển cho học sinh.

 Những ngã rẽ khác ngoài học lên THPT trở thành con đường không hề bằng phẳng đối với học sinh lứa tuổi thiếu niên.

Để giải quyết vấn đề này, trước hết cần thay đổi nhận thức của phụ huynh. Phụ huynh cần hiểu rằng, con đường dẫn đến thành công không chỉ có một lối vào THPT công lập và đại học. Các lựa chọn giáo dục khác như trường nghề, trung tâm giáo dục thường xuyên hay THPT ngoài công lập cũng có thể mang lại cơ hội phát triển và thành công không kém phần rực rỡ.

Cần có các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ để thay đổi nhận thức của cộng đồng về giá trị của các lựa chọn giáo dục ngoài THPT công lập. Đồng thời, cần cải thiện chất lượng đào tạo và uy tín của các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường nghề để thu hút học sinh và phụ huynh.

Học nghề sau THCS vẫn là sự lựa chọn cho tương lai. Ảnh: Trường Cao đẳng Nghề Hải Dương 

Để giái quyết bài toán áp lực cho trẻ em, Tiến sĩ tâm lý Nguyễn Kim Quý - Văn phòng Tham vấn gia đình và trẻ em (Hội Tâm lý giáo dục học Việt Nam) cho rằng Chính phủ và các cơ quan chức năng cần tiếp tục đầu tư vào cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tạo tại các trung tâm giáo dục thường xuyên, các trường nghề. Cần có các chính sách hỗ trợ về lao động, việc làm và tiền lương cho người tốt nghiệp trình độ sơ cấp, trung cấp để thu hút học sinh và phụ huynh tin tưởng vào các lựa chọn giáo dục này.

Bên cạnh đó, việc thiết lập một hệ thống giáo dục linh hoạt, liên thông giữa các bậc học cũng là yếu tố quan trọng giúp học sinh dễ dàng chuyển đổi giữa các con đường học tập khác nhau. Điều này không chỉ giúp giảm áp lực cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh phát triển toàn diện.

Cuộc đua vào lớp 10 sẽ không còn căng thẳng và áp lực nếu chúng ta thay đổi tư duy về giáo dục, đặc biệt là nhận thức của phụ huynh. Các cơ hội giáo dục khác ngoài THPT công lập cần được coi trọng và phát triển đồng bộ. Chỉ khi đó, chúng ta mới có thể xây dựng một hệ thống giáo dục toàn diện, linh hoạt và hiệu quả, giúp học sinh phát triển theo đúng năng lực và nguyện vọng của mình. Học sinh không nên là những người gánh chịu hậu quả từ những áp lực và kỳ vọng quá mức, mà cần được hỗ trợ để phát triển toàn diện, có nhiều lựa chọn phù hợp và cơ hội thành công trong tương lai.

Hoàng Quỳnh