Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày Báo cáo tại phiên họp. Theo đó, thực hiện Kết luận số 64-KL/TW của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII và Nghị quyết số 104/2023/QH15 của Quốc hội, từ ngày 01/7/2024 sẽ thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 135-QĐ/TTg ngày 31/01/2024 về Kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.
|
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà tại phiên họp. Quochoi.vn |
Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp để thảo luận kỹ lưỡng về các nội dung cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024.
Thường trực Ban Chỉ đạo cũng đã tổ chức lấy ý kiến các Ban, Bộ, ngành, chuyên gia, và nhà quản lý để hoàn thiện dự thảo Báo cáo. Ngày 31/5/2024, Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ đã có Tờ trình số 46-TTr/BCSĐ trình Bộ Chính trị xem xét, cho ý kiến.
Trong báo cáo nêu rõ các căn cứ chính trị, pháp lý, các quan điểm, nguyên tắc và xác định các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới theo yêu cầu của Nghị quyết số 27-NQ/TW. Đồng thời, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội theo các nguyên tắc của Nghị quyết số 28-NQ/TW và quy định của pháp luật hiện hành để bảo đảm sự đồng bộ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh rằng Chính phủ đề xuất giải pháp thực hiện điều chỉnh tăng tiền lương, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội với quan điểm bám sát chủ trương của Đảng tại các Nghị quyết số 27-NQ/TW, 28-NQ/TW, và 42-NQ/TW.
Chính phủ thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, từng bước, thận trọng, chắc chắn, đảm bảo tính khả thi, hiệu quả và khả năng chi trả của ngân sách nhà nước.
Đồng thời, đảm bảo tương quan cân đối, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp, giải quyết hài hòa các quan hệ xã hội, kiểm soát phân hóa xã hội và bảo đảm an sinh cho Nhân dân trong quá trình phát triển.
Đối với khu vực doanh nghiệp, sẽ thực hiện đầy đủ các nội dung của Nghị quyết số 27-NQ/TW gồm: Điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng (tăng 6% áp dụng từ ngày 01/7/2024); Quy định cơ chế tiền lương đối với doanh nghiệp nhà nước (áp dụng từ ngày 01/01/2025)
Đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang, sẽ thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW về cải cách tiền lương theo lộ trình, từng bước, hợp lý, thận trọng, khả thi.
Cụ thể, sẽ thực hiện 4/6 nội dung cải cách tiền lương khu vực công của Nghị quyết số 27-NQ/TW từ ngày 01/7/2024, bao gồm: hoàn thiện chế độ nâng lương; bổ sung chế độ tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng 10% quỹ lương cơ bản); quy định và hướng dẫn rõ 5 nguồn kinh phí thực hiện chế độ tiền lương; hoàn thiện cơ chế quản lý tiền lương và thu nhập.
Trong thời gian chưa đủ điều kiện thực hiện các bảng lương mới và cơ cấu lại các chế độ phụ cấp, Chính phủ đề xuất tăng lương khu vực công từ ngày 01/7/2024 với 03 nội dung cụ thể: điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng (tăng 30%); tiếp tục thực hiện các loại phụ cấp hiện hành; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp và một số chế độ đặc thù của lực lượng vũ trang và của cán bộ, công chức, viên chức một số chuyên ngành.
|
Toàn cảnh phiên họp. Quochoi.vn |
Trình bày Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh nhấn mạnh sự đồng tình với quan điểm thực hiện cải cách tiền lương và các chính sách liên quan theo lộ trình phù hợp, thận trọng, đảm bảo tính khả thi và hiệu quả. Ủy ban Xã hội thấy rằng, nội dung đề xuất của Chính phủ về việc tăng lương, điều chỉnh lương hưu và trợ cấp từ ngày 01/7/2024 đã cơ bản bám sát chỉ đạo của Bộ Chính trị tại Kết luận số 83-KL/TW.
Ủy ban Xã hội cũng đề nghị Chính phủ quan tâm đến các giải pháp bảo đảm nguồn lực thực hiện ổn định, lâu dài và hiệu quả chính sách; tăng cường kiểm soát, quản lý giá và các giải pháp kiềm chế lạm phát; đảm bảo quyền tự chủ thực chất khi thực hiện tự chủ tài chính.
Ủy ban Xã hội và Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách thống nhất với việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 01/7/2024. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ định kỳ rà soát, nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội để bảo đảm mức sống tối thiểu cho người có hoàn cảnh khó khăn và thực hiện chính sách trợ cấp xã hội cho hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo theo Nghị quyết số 42-NQ/TW và Nghị quyết số 108/2023/QH15.