Ngày 2/10. Hội đồng Nobel tại Viện Karolinska ở thủ đô Stockholm của Thụy Điển công bố giải Nobel Y sinh năm 2023 thuộc về hai nhà khoa học Katalin Kariko, nữ giáo sư chuyên ngành hóa sinh - sinh học phân tử người Hungary và Drew Weissman, nhà khoa học người Mỹ với công trình nghiên cứu về công nghệ mRNA trong sản xuất vaccine ngừa COVID-19.

Những khám phá của hai nhà khoa học Katalin Karikó và Drew Weissman có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát triển vaccine mRNA hiệu quả trong đại dịch bùng phát vào đầu năm 2020.

Phát hiện đột phá của hai nhà khoa học này đã thay đổi căn bản hiểu biết của chúng ta về cách mRNA tương tác với hệ thống miễn dịch của con người. Hai nhà khoa học cũng đã đóng góp vào nỗ lực phát triển vaccine với tốc độ chưa từng có trong thời điểm xảy ra đại dịch COVID-19 - một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với sức khỏe con người trong thời hiện đại.

 Nữ giáo sư Katalin Kariko và nhà khoa học Drew Weissman
 

Ủy ban Giải thưởng Nobel cho biết hai nhà khoa học Karikó và Weissman đã công bố kết quả nghiên cứu trong một bài báo năm 2005. Mặc dù thời điểm đó phát hiện này ít được chú ý, nhưng khám phá của hai nhà khoa học sau đó đã mở đường cho sự ra đời của vaccine Pfizer và Moderna, đặt nền móng cho những phát triển vô cùng quan trọng phục vụ nhân loại trong đại dịch COVID-19.

Sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát, hai loại vaccine mRNA biến đổi nucleoside mã hóa protein trên bề mặt virus SARS-CoV-2 đã được phát triển với tốc độ kỷ lục. Các báo cáo cho biết nhờ công nghệ mới này, tác dụng bảo vệ của vaccine đạt khoảng 95%. Hai loại vaccine này đều đã được phê duyệt sớm nhất, vào tháng 12/2020.

Tính linh hoạt và tốc độ phát triển vaccine mRNA ấn tượng đã mở đường cho việc sử dụng công nghệ mới này để phát triển các loại vaccine ngăn ngừa các bệnh truyền nhiễm khác. Trong tương lai, công nghệ này cũng có thể được sử dụng để cung cấp các protein trị liệu và điều trị một số loại ung thư.

Một số loại vaccine khác phòng virus SARS-CoV-2, dựa trên các phương pháp khác nhau, cũng nhanh chóng xuất hiện. Tổng cộng, trên 13 tỷ liều vaccine COVID-19 đã được tiêm trên toàn cầu. Vaccine cũng đã cứu sống hàng triệu người và ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng ở nhiều bệnh nhân khác, giúp thế giới quay lại trạng thái bình thường.

Từ năm 1901 đến nay, Ủy ban Nobel đã trao tổng cộng 112 giải Y Sinh. Người trẻ nhất từng đoạt giải là nhà khoa học Frederick G. Banting, được vinh danh khi mới 32 tuổi, vì đã khám phá ra insulin. Người cao tuổi nhất là Peyton Rous cho công trình phát hiện virus gây khối u. Ông được xướng tên năm 1966, ở tuổi 87.

Giải thưởng Nobel do nhà khoa học người Thụy Điển Alfred Nobel sáng lập ra từ cách đây hơn một thế kỷ. Đây được coi biểu tượng cho đỉnh cao của thành tựu khoa học, tôn vinh những công trình nghiên cứu mang tính đột phá và quá trình thực hiện thường kéo dài trong nhiều thập kỷ. Thế nhưng, với nhiều nhà chuyên môn, giải thưởng danh giá này cần được điều chỉnh để thích ứng với thời đại mới.

Ngọc Ánh/ Theo CNN