Luật Đất đai sửa đổi có nhiều điểm mới, tập trung vào 5 nhóm vấn đề. Trong đó, có nhóm các quy định nhằm bảo vệ tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất như mở rộng quyền sử dụng đất với công dân Việt Nam, kể cả định cư sinh sống ở nước ngoài.

Tại điều 4, quy định về người sử dụng đất được bổ sung thêm nhóm gốc Việt định cư ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam (hay còn gọi là Việt kiều). 

Nhóm này sẽ được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở như công dân trong nước và người Việt định cư ở nước ngoài (người còn quốc tịch Việt Nam).

Trong luật mới, điều 28 cũng quy định cụ thể người gốc Việt định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam được mua, thuê nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở, nhận quyền sử dụng đất ở trong dự án phát triển nhà ở; nhận thừa kế quyền sử dụng đất ở và các loại đất khác trong cùng thửa đất có nhà (luật hiện hành không có những quy định này).

 

Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh, lượng kiều hối chảy về thành phố này năm ngoái cao kỷ lục với 9,46 tỷ USD, tăng 43% so với năm 2022 và chiếm hơn một nửa lượng kiều hối trên cả nước. 

So với tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào thành phố năm 2023, lượng kiều hối gấp 2,7 lần và bằng khoảng 14% tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP).

Ông Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá các quy định trong luật Đất đai mới, cùng luật Nhà ở, Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ năm 2025 tạo điều kiện để Việt kiều đầu tư, mua nhà ở tại Việt Nam thuận lợi hơn.

Ông Hậu cho rằng quy định rõ ràng tại Luật Đất đai 2024 sẽ là tiền đề để Chính phủ hướng dẫn các cơ quan tư pháp tạo điều kiện để người dân chứng minh nguồn gốc Việt đơn giản hơn.

Thành Nam