Trên phố đi bộ Hồ Gươm, không khó để bắt gặp các sạp hàng tò he rạng rỡ sắc màu nằm kế cạnh nhau. Đó là gian hàng của những nghệ nhân đến từ làng tò he Xuân La, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội. Với sự duy trì nghề hơn 300 năm, làng Xuân La được biết đến với danh hiệu “cái nôi của nghề nặn tò he”.
|
Những sạp tò he muôn màu trên phố đi bộ. Ảnh: Đăng Khôi |
Là một người con làng Xuân La, Nghệ nhân Ngàn năm Thăng Long Nguyễn Văn Đĩnh (67 tuổi) đã chứng kiến những trầm bổng của nghề tò he cả cuộc đời. Khi được hỏi về nghề, ông tự hào khẳng định: dù trải qua bao thăng trầm, những người nghệ nhân làng vẫn luôn bền bỉ gìn giữ và phát triển nghề cha ông để lại, với mong muốn biến tò he trở thành biểu tượng văn hóa độc đáo của dân tộc.
|
Nghệ nhân Nguyễn Văn Đĩnh tại Hội thi Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam năm 2024 |
|
Sản phẩm đạt giải Nhì của nghệ nhân Đĩnh tại Hội thi |
Dành cả cuộc đời để gìn giữ nghề tò he
Sinh ra và lớn lên tại Xuân La, nghệ nhân Nguyễn Văn Đĩnh tiếp nối truyền thống gia đình khi được bố mẹ truyền dạy từ những ngày thơ bé. Đến nay, ông đã có hành trình 52 năm gắn bó với nghề nặn tò he.
|
Ông Đĩnh đã gắn bó với nghề tò he được 52 năm. Ảnh: Đăng Khôi |
"Nghề này đã có ở quê tôi từ lâu đời, đời này truyền qua đời khác. Tôi được truyền nghề từ bố mẹ, rồi tôi lại truyền cho con cháu. Không chỉ gia đình tôi, ở làng Xuân La thì tuổi thơ đứa trẻ nào cũng gắn liền với tò he và được truyền nghề từ rất sớm. Từ 4, 5 tuổi là các cháu đã được tiếp xúc, lớn hơn chút nữa thì bắt đầu dạy nghề. Cứ đến tuổi trưởng thành là dân làng đã có thể tự nặn tò he để mưu sinh rồi”, ông Đĩnh chia sẻ.
Dù được biết đến là “làng nghề tò he”, thực chất công việc chính của người làng Xuân La vẫn là nông nghiệp, chủ yếu trồng lúa hai vụ một năm, còn nặn tò he chỉ là nghề phụ. Nhưng đối với các nghệ nhân, tò he chính là báu vật văn hoá, nên họ không bao giờ bỏ bê, đồng thời ấp ủ đam mê lan tỏa nét đẹp quê hương. Cứ như vậy, những chú tò he - thành quả của “nghề phụ” ấy ra đời, trở thành ước mơ và niềm vui tuổi thơ của biết bao thế hệ trẻ em Việt Nam.
Nhớ lại buổi đầu làm nghề, nghệ nhân Đĩnh tâm sự: “Vốn liếng làm tò he của người làng Xuân La là bột gạo, một miếng sáp ong, một ít que gỗ và quan trọng nhất là đôi bàn tay được các bậc tiền nhân rèn giũa. Hồi còn trẻ, tôi đạp xe rong ruổi, tham gia đủ các phiên chợ, các dịp lễ tết. Giờ tuổi cao sức yếu, chỉ còn lại đam mê, nên tôi và một vài bạn đồng hương cùng thuê một kho gửi hàng, cuối tuần lại lên phố cổ bày sạp bán, bán xong thì đi 60km về làng”.
|
Ông Đĩnh bận rộn chuẩn bị cho sạp hàng tò he trên phố đi bộ. Ảnh: Đăng Khôi
|
Đam mê là vậy, nhưng ông Đĩnh không thể phủ nhận nghề nặn tò he cũng từng đối diện với nguy cơ mai một. Bởi thu nhập ít ỏi, nghệ nhân làng Xuân La phải vất vả làm thêm nhiều nghề khác để kiếm sống, có người còn bỏ hẳn nghề. Mặt khác, tò he đang phải cạnh tranh khốc liệt với những món đồ chơi công nghiệp hiện đại đang dần lấn át đồ chơi dân gian.
Nhờ có sự tâm huyết của những người nghệ nhân, nghề nặn tò he đang từng bước khôi phục và khẳng định giá trị trong lĩnh vực văn hoá truyền thống. Để có thể lan tỏa tò he rộng rãi, làng Xuân La thành lập Câu lạc bộ Tò he, tổ chức các cuộc thi; phát động nhiều chiến dịch quảng bá sản phẩm; đón tiếp các đoàn khách thăm quan du lịch làng nghề; phối hợp với các chương trình giao lưu văn hoá quốc tế;... Những sự kiện này đều thành công thu hút sự quan tâm của dân chúng, đặc biệt là giới trẻ Việt Nam và du khách nước ngoài.
|
Một buổi dạy nghề trong chương trình tham quan làng nghề tò he do ông Đĩnh tổ chức |
Nghệ nhân Đĩnh cho biết: “Vài chục năm trước chưa có nhiều phương tiện truyền thông, nhiều người không biết đến tò he là một nét đẹp văn hoá. Ngày nay, chúng tôi may mắn được các cấp ngành quan tâm, được báo chí và truyền hình đưa tin nên không chỉ Việt Nam mà cả bạn bè quốc tế cũng biết nét đẹp văn hoá truyền thống của quê hương tôi”.
Bên cạnh cơ hội mới, ông Đĩnh còn tự hào chia sẻ về danh hiệu “Nghệ nhân Ngàn năm Thăng Long” được trao tặng vào năm 2010. Con trai ông là anh Nguyễn Văn Thành (45 tuổi) cũng được Nhà nước công nhận là “Nghệ nhân Nhân dân”. Nhờ có cha truyền cảm hứng, anh Thành không chỉ phát triển nghề tò he trong nước mà còn đại diện Việt Nam đưa sản phẩm tò he đến giới thiệu ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Úc, Đức, Anh, Nhật, Hàn Quốc, Thái Lan…
|
Nghệ nhân Nhân dân Nguyễn Văn Thành - con trai ông Nguyễn Văn Đĩnh. Ảnh: tohexuanla.vn |
Quyết tâm lan toả tò he đến mọi thế hệ
Mỗi cuối tuần, các nghệ nhân đều bận rộn chuẩn bị sẵn hàng trăm chú tò he để bày bán trên phố đi bộ Hồ Gươm. Các sạp hàng thường thu hút khách ghé thăm ở mọi lứa tuổi và quốc tịch, từ những du khách trung niên đến những bạn trẻ giàu tình cảm với nghệ thuật truyền thống.
|
Sạp hàng tò he luôn thu hút đa dạng khách hàng ghé thăm. Ảnh: Đăng Khôi |
Nghệ nhân Đĩnh cho biết, ngày nay các nghệ nhân không chỉ nặn tò he với những hình dáng quen thuộc mà còn thường xuyên học hỏi để cải tiến mẫu mã. Các nhân vật mới lạ như chuột lang nước, siêu nhân, Hello Kitty, chuột Mickey, thậm chí là những hình ảnh độc đáo mà khách hàng yêu cầu đều có thể được các nghệ nhân tái hiện bằng bột gạo. Sự đa dạng của tò he hiện đại đã đảm bảo sức hút đến mọi thế hệ.
Không dừng lại ở đó, các nghệ nhân còn phát triển thêm dịch vụ trải nghiệm trực tiếp. Họ mở rộng cơ sở vật chất cho phép khách hàng tự nặn tò he tại chỗ, đồng thời không ngần ngại hướng dẫn kỹ thuật để khách có được thành quả ưng ý. Chỉ với 20.000 đồng, các bạn trẻ đã có thể sở hữu một đĩa bột gạo đủ màu để tự mình sáng tạo ra 2-4 chú tò he. Đối với mọi lứa tuổi, việc được học quá trình làm tò he chi tiết là một trải nghiệm mới mẻ và thú vị.
|
Những đĩa bột gạo được ông Đĩnh chuẩn bị cho khách trải nghiệm. Ảnh: Đăng Khôi |
|
Ông Đĩnh tỉ mỉ dạy khách hàng cách nặn bông hoa hồng. Ảnh: Đăng Khôi |
“Tôi không bao giờ tính thêm chi phí dạy nặn tò he mà chỉ lấy tiền bột. Đối với tôi, việc khiến mọi người yêu thích tò he và biết tự mình nặn tò he là một bước tiến lớn trên hành trình lan toả nghệ thuật dân gian đến mọi người”, ông Đĩnh tâm sự.
Ông cũng nói thêm, để đáp ứng thị trường quốc tế, nghệ nhân làng Xuân La cũng dày công nghiên cứu các công thức bột mới, giúp sản phẩm có độ bền cao hơn. Ngày nay, tuổi thọ của những chú tò he đã lên đến 6-8 tháng nếu bột được phơi khô đúng cách. Sự cải tiến này đã tạo điều kiện thuận lợi cho công tác quảng bá và vận chuyển tò he ra thị trường quốc tế.
Bằng niềm đam mê và tinh thần nỗ lực, những nghệ nhân như ông Nguyễn Văn Đĩnh đã góp phần tích cực trong công cuộc bảo tồn và phát triển nghề truyền thống. Giữa nhịp sống hiện đại, tò he vẫn giữ nguyên giá trị, thành công khẳng định vai trò thiết yếu của nghệ thuật dân gian trong bản sắc văn hoá Việt Nam.