Thông tin này được ông Bùi Hoàng Hải, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (Bộ Tài chính) cho biết ngày 20/3. Theo ông Hải, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo Nghị quyết về thí điểm phát hành, giao dịch tiền mã hóa, tài sản mã hóa.

Trong đó, Bộ này đề xuất cơ chế phối hợp quản lý giữa ba cơ quan, gồm Bộ Tài chính, Công an và Ngân hàng Nhà nước với sàn giao dịch tiền mã hóa, tài sản mã hóa. Việc này nhằm hạn chế tối đa rủi ro về an ninh tài chính.

Theo đại diện Bộ Tài chính, loại tài sản này phát triển không ngừng, phức tạp, tiềm ẩn rủi ro với nhà đầu tư và thị trường tài chính. Do đó, trong giai đoạn đầu thí điểm với quy mô hạn chế và được kiểm soát, việc cơ quan quản lý tham gia giám sát sẽ đáp ứng nhu cầu của thị trường. Đồng thời, việc này cũng giúp họ có thời gian đưa ra chính sách phù hợp quản lý tiền mã hóa, tài sản mã hóa.

"Việc triển khai thí điểm thị trường tài sản mã hóa với quy mô hạn chế có sự kiểm soát, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước sẽ đáp ứng nhu cầu của thị trường. 

Giúp cơ quan quản lý có thời gian xây dựng cơ chế chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn", ông Hải khẳng định. 

 

Việc triển khai thí điểm cho phép các cơ quan quản lý có thể nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng tính khả thi và điều kiện triển khai thực tiễn, giảm thiểu tối đa các hành vi bất hợp pháp như rửa tiền và tài trợ khủng bố, bảo vệ nhà đầu tư, tạo tiền đề phát triển thị trường tài chính minh bạch, an toàn, bền vững.

Cùng ngày, đại diện Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí lên tiếng giải đáp câu hỏi liệu chính sách thuế đối với giao dịch tài sản số dự kiến được điều chỉnh thế nào để vừa tạo nguồn thu, vừa không kìm hãm thị trường.

Theo Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), Việt Nam có đến 17 triệu người sở hữu tài sản mã hóa trong năm 2024, đứng hạng 7 toàn cầu. Năm ngoái, Việt Nam nhận về hơn 105 tỷ USD tiền mã hóa, giảm so với mức 120 tỷ USD của năm 2023.

Thu Thuỷ