Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” đã được các tỉnh, thành phố tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện.
Tại Hải Phòng, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29, ngành giáo dục và đào tạo thành phố Cảng đã có những chuyển biến tích cực, quan trọng.
Đó là nhận thức, ý thức trách nhiệm và hành động trong cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân trong triển khai thực hiện Nghị quyết được nâng lên rõ nét.
Từ đó, đã cụ thể hóa nội dung Nghị quyết bằng các chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tế của địa phương, đơn vị.
|
Ngành Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã có sự chuyến biến mạnh mẽ sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (Ảnh: Thanh Hải) |
Theo ông Bùi Văn Kiệm - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng, hiện nay thành phố có 858 cơ sở giáo dục, trong đó có 727 cơ sở giáo dục công lập (gồm 245 trường mầm non; 227 trường tiểu học; 200 trường trung học cơ sở; 40 trường trung học phổ thông, 15 trung tâm giáo dục thường xuyên) và 131 cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Nhiều thành tích đáng tự hào
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29, phương pháp dạy học từng bước chuyển từ tiếp cận nội dung sang tiếp cận năng lực; phát huy sự độc lập, sáng tạo của người học trong chiếm lĩnh kiến thức, rèn luyện kĩ năng dưới sự tổ chức, hướng dẫn của giáo viên. Hải Phòng đã có gần 5.000 giờ dạy tốt các cấp, 800 chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học được thực hiện trong 10 năm qua.
Hình thức tổ chức dạy học chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học.
Đặc biệt, trong giai đoạn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, ngành giáo dục và đào tạo Hải Phòng đã chỉ đạo kịp thời các cơ sở giáo dục chuyển từ hình thức dạy học trực tiếp sang dạy học trực tuyến, dạy học qua truyền hình, đảm bảo các mục tiêu giáo dục.
Hình thức thi, kiểm tra đánh giá được đổi mới; phối hợp sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học; đánh giá của người dạy với tự đánh giá của học sinh; đánh giá của nhà trường với đánh giá của gia đình và của xã hội. Tích cực áp dụng công nghệ thông tin, các phần mềm trực tuyến trong kiểm tra đánh giá để tăng tính khách quan, chính xác.
Kết quả cụ thể, đối với giáo dục mầm non: huy động trẻ 5 tuổi đến trường đạt 100%; 100% trẻ 5 tuổi học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mầm non; 100% trẻ 5 tuổi được đánh giá theo bộ chuẩn PT TE5T; tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì dưới 2%; 100% số trường tổ chức ăn bán trú; 99,4% số lớp mẫu giáo 5 tuổi được trang bị máy vi tính và kết nối internet; đổi mới môi trường trong và ngoài lớp học theo quan điểm lấy trẻ làm trung tâm.
|
Hải Phòng tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, cơ bản đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết 29/2013 (Ảnh: Thanh Hải) |
Giáo dục phổ thông:
- Tiểu học: chất lượng giáo dục hai mặt được duy trì ổn định; tỷ lệ huy động số trẻ trong độ tuổi đi học tiểu học đạt 100%; tỷ lệ trẻ 11 tuổi hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,9%; duy trì sĩ số học sinh, giảm tỉ lệ lưu ban, không có học sinh bỏ học; tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày liên tục tăng, đến năm học 2022-2023 đạt 87,1%; tỷ lệ học sinh bán trú trên 60%; tỷ lệ học sinh được học ngoại ngữ trên 99%; nâng tỷ lệ học sinh học tin học đạt 60,1%.
- Trung học: tỷ lệ huy động học sinh đã hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,5%; tỷ lệ học sinh được công nhận tốt nghiệp THCS và THPT trong nhiều năm đạt trên 99,0%. Giữ vững vị trí tốp đầu các tỉnh thành phố về công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi quốc gia, quốc tế.
Từ năm học 2013 - 2014 đến năm học 2022 - 2023, thành phố có 856 giải quốc gia và 13 Huy chương quốc tế các môn văn hóa; 58 giải về Khoa học kỹ thuật quốc gia; 3 dự án Khoa học kỹ thuật đạt giải quốc tế. Trong 4 năm liên tục (2015 - 2018) thành phố đứng thứ 2 toàn quốc về học sinh giỏi quốc gia. Hải Phòng là địa phương duy nhất trên cả nước 24 năm có học sinh đoạt giải quốc tế. Năm 2023, học sinh Hải Phòng đạt 1 huy chương vàng và 2 huy chương Bạc trong các kỳ Olympic quốc tế.
Giáo dục nghề nghiệp: Giai đoạn 2013-2022 tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt 504.410 học sinh, sinh viên, học viên với hơn 200 lượt chương trình đào tạo phát triển phẩm chất và năng lực của người học. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động đổi mới chương trình, nội dung đào tạo; tập trung phối hợp với doanh nghiệp, đảm bảo thời gian thực hành chiếm từ 70%, trở lên, giáo dục nghề nghiệp đã gắn với sử dụng lao động.
Giáo dục đại học: Quy mô giáo đục đại học và sau đại học đã tăng đáng kể với số sinh viên tăng dần theo các năm, tổng số ngành đào tạo đại học và trên đại học của 4 trường là 94 ngành; chú trọng các nhóm ngành Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Luật, Y - Dược, Sư phạm - Ngoại ngữ, Hàng hải - Đóng tàu. Công tác đào tạo có nhiều đổi mới, các chương trình đào tạo thường xuyên được rà soát, điều chỉnh, cập nhật để đáp ứng nhu cầu xã hội. Chất lượng sinh viên ra trường ngày càng được nâng cao, từng bước đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của thành phố và đất nước, có sức cạnh tranh cao.
Phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý
Thành phố Hải Phòng đã kịp thời ban hành các văn bản về chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyển dụng, bố trí, sắp xếp giáo viên, điều động, bổ nhiệm cán bộ quản lý ngành giáo dục và đào tạo. Đặc biệt, có một số cơ chế mạnh có tính chất đột phá, chính sách đặc thù, tiêu biểu toàn quốc trong thực hiện nhiệm thu hút, tuyển chọn, sử dụng, đãi ngộ đội ngũ giáo viên giỏi. Đến nay, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu.
Công tác bồi dưỡng nâng chuẩn nghề nghiệp được thực hiện thường xuyên. Từ 2013 đến 2023, số giáo viên, giảng viên đạt chuẩn tăng nhanh. Tính đến năm 2023, theo quy định tại Luật Giáo dục 2019, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn ở các cấp học: Mầm non đạt 83,97%, Tiểu học đạt 76.3%, THCS đạt 95,1%, THPT đạt 100%, Giáo dục nghề nghiệp đạt 98% và Giáo dục đại học đạt 100%.
Ngành Giáo dục thường xuyên rà soát tổng thể về số lượng, chất lượng đội ngũ nhà giáo để xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, đào tạo lại. Triển khai có hiệu quả Đề án bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Liên tục trong các năm từ 2016 đến 2022 để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục đào tạo , nhiều lớp bồi dưỡng chuẩn chức danh nghề nghiệp cho giáo viên được tổ chức; xét nâng hạng cho 1.744 nhà giáo. Về bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ giáo viên phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, tính đến nay đã có 17.411 lượt giáo viên được đào tạo các Modul bồi dưỡng.
Các chế độ, chính sách đối với nhà giáo và cán bộ quản lý ngành giáo dục và đào tạo được thực hiện cơ bản đầy đủ, đúng và kịp thời. Thành phố Hải Phòng có chế độ chi hỗ trợ đối với lao động hợp đồng ở vị trí nấu ăn trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập trên địa bàn thành phố; chế độ mức chi thu nhập bình quân tăng thêm tạo điều kiện nâng cao đời sống cho đội ngũ nhà giáo.
|
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29,Hải Phòng tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo (Ảnh: Thanh Hải) |
Thành phố Hải Phòng bắt đầu thực hiện hỗ trợ 100% học phí cho học sinh bậc học mầm non, trung học cơ sở từ năm học 2020-2021; hỗ trợ học phí cho học sinh trung học phổ thông từ năm học 2021-2022 (trong đó có cả học sinh ngoài công lập).
Xác định rõ vai trò quan trọng của công tác xã hội hóa giáo dục, các cấp ủy đảng, chính quyền, các nhà trường đã chú trọng công tác xã hội hóa giáo dục để tăng thêm nguồn lực, tạo điều kiện tổ chức thực hiện đổi mới, phát triển giáo dục, đào tạo. Kinh phí từ nguồn xã hội hóa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng kinh phí cho giáo dục.
Số lượng cơ sở giáo dục phổ thông ngoài công lập (đặc biệt ở mầm non và trung học phổ thông) tăng mạnh. Số lượng các dự án xã hội hóa đầu tư vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được thành lập, cấp giấy phép hoạt động không ngừng tăng. Việc huy động các nguồn đầu tư cho GDĐT đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân.
Phong trào nghiên cứu khoa học được triển khai rộng khắp với sự vào cuộc của nhiều sở, ban, ngành, đơn vị. Hiện có 245 câu lạc bộ đội nhóm học thuật, nghiên cứu khoa học với sự tham gia của hơn 7.000 đoàn viên, thanh niên. Ngành Giáo dục và Đào tạo tổ chức Cuộc thi khoa học kĩ thuật học sinh trung học cấp thành phố, số đề tài tham gia tăng dần theo các năm. Từ khi triển khai đến nay, học sinh Hải Phòng đạt 38 giải cấp quốc gia và 3 giải cấp quốc tế.
Các trường đại học phát triển phong trào nghiên cứu khoa học, đã có nhiều dự án nghiên cứu được công nhận các cấp. Các trường tích cực hợp tác với các viện nghiên cứu, các trường đại học trên thế giới.
Bên cạnh đó, Hải Phòng đã chú trọng thu hút, khuyến khích và tranh thủ mọi nguồn viện trợ thông qua các chương trình, dự án hợp tác với các nước, tổ chức quốc tế để tăng cường đầu tư cho giáo dục, đào tạo.Trên địa bàn thành phố có 07 cơ sở giáo dục, đào tạo có yếu tố nước ngoài.
Hiện nay, đang tích cực xúc tiến các hoạt động hợp tác quốc tế qua các buổi làm việc giữa lãnh đạo thành phố với tập đoàn giáo dục KinderWorld (Singapore) và đại sứ quán Hàn Quốc, đại sứ Australia, đại sứ Vương quốc Anh về các dự án đầu tư tại Hải Phòng...