Chiều 3/1, Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục bước sang phần xét hỏi đối với các bị cáo trọng vụ “đại án” xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) và các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Chủ tọa phiên tòa hỏi nhiều bị cáo, trong đó bị cáo Phan Quốc Việt được hỏi đầu tiên. Bị cáo Việt khai khá rõ ràng về việc đã “cảm ơn” bằng tiền và USD cho một số cựu quan chức tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, lãnh đạo CDC các tỉnh.
|
Các bị cáo tại phiên tòa ngày 3/1. Ảnh: TTXVN |
Đáng chú ý, Chủ tọa phiên tòa hỏi về quy trình đặt hàng kit test đối với cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh. Trên bục khai báo, bị cáo Chu Ngọc Anh khai, trong tình hình cấp bách phòng chống dịch, Bộ đã thực hiện đặt hàng Học viện Quân y để nghiên cứu đề tài kit xét nghiệm, lấy kinh phí Nhà nước cấp, để thực hiện các nhiệm vụ về khoa học và công nghệ.
Với vai trò là Bộ trưởng, bị cáo đã trực tiếp ký quyết định đặt hàng, còn bình thường các việc này đều do Thứ trưởng phụ trách ký duyệt.
Bị cáo khẳng định, theo quy định, sau khi đề tài hoàn thành, phải chuyển giao lại để Bộ Khoa học và Công nghệ sử dụng, bị cáo là đại diện chủ sở hữu, do Bộ Khoa học và Công nghệ là đơn vị chủ trì.
Cùng với đó, khi chuyển giao phải có đề án đánh giá sau khi nghiệm thu chính thức, nhưng đề tài này đã không thực hiện, mà tiến hành nghiệm thu giai đoạn 1. Cũng theo bị cáo Chu Ngọc Anh, sau khi đề tài được Học viện Quân y hoàn thành, Công ty Việt Á là đơn vị phối hợp, nhưng do cấp dưới trình sai, nên bị cáo đã ký sai. Thời gian này có rất nhiều công việc nên bị cáo không chú ý hết được.
Chủ tọa đặt vấn đề, vậy tại sao khi nghiệm thu, khen thưởng, đề tài lại đứng tên Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á, cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh ngập ngừng và cho rằng: “Bị cáo nghĩ Học viện Quân y là đơn vị chủ trì, còn hợp đồng được “ký nháy” thì mới liên quan tới Công ty Việt Á”.
|
Cựu Bộ trưởng Chu Ngọc Anh trên bục khai báo. Ảnh: TTXVN |
Bị cáo Chu Ngọc Anh cũng thừa nhận, do công tác quản lý không chặt, nên mới để xảy ra những sai phạm trong vụ án này, như kết luận điều tra và cáo trạng quy kết.
Về việc nhận tiền của Phan Quốc Việt, bị cáo Chu Ngọc Anh nói, bị cáo không có thỏa thuận hay đòi hỏi gì, mà Phan Quốc Việt tự đưa 200.000 USD để “cảm ơn”. Bị cáo cũng không biết trong túi quà có tiền, mãi cho đến khi chuyển công tác, dọn dẹp đồ đạc mới biết.
Đến lượt Hội đồng xét xử hỏi cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long về cáo trạng và kết luận điều tra. Bị cáo Nguyễn Thanh Long cho biết, đã nhận được kết luận điều tra và cáo trạng, song bị cáo không có ý kiến gì về tội danh.
Liên quan hành vi nhận tiền của Phan Quốc Việt, Tổng Giám đốc Việt Á tổng cộng 2,25 triệu USD, bị cáo Nguyễn Thanh Long trình bày, sau khoảng 10 tháng cấp phép tạm thời, Thư ký Nguyễn Huỳnh có đưa tiền cho bị cáo, bị cáo hỏi lại tại sao đưa, Nguyễn Huỳnh nói “do làm ăn được nên đưa cảm ơn”.
Cũng theo bị cáo Nguyễn Thanh Long, bản thân ông không có bất cứ gợi ý nào trong những lần bị cáo Việt đưa tiền cho Nguyễn Huỳnh. Trước câu hỏi của Hội đồng xét xử về việc không gợi ý Việt Á đưa tiền từ bị cáo Nguyễn Thanh Long, được gọi lên trả lời, bị cáo Nguyễn Huỳnh khai: “Ông Nguyễn Thanh Long có nói Việt hỗ trợ, mỗi lần 1 triệu USD để lo công việc".
Liên quan việc kê biên tài sản trong quá trình điều tra, cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long đã nói gia đình khắc phục toàn bộ số tiền 2,25 triệu USD, hiện bị kê biên một ngôi nhà và mảnh đất ở huyện Quốc Oai, Thành phố Hà Nội.
|
Cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN |
Trong vụ án này, cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long bị đưa ra xét xử về tội “Nhận hối lộ”. Còn cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệChu Ngọc Anh bị xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
Nhiều bị cáo khi được xét hỏi đều thừa nhận cáo trạng Viện kiểm sát truy tố đúng người, đúng tội.
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao nêu rõ, trong bối cảnh tình hình dịch COVID-19 bùng phát, lợi dụng chủ trương của Nhà nước về việc giao các đơn vị chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch, Phan Quốc Việt đã thông đồng, cấu kết với các bị cáo là những người có chức vụ, quyền hạn tại Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ để Công ty Việt Á được phối hợp tham gia thực hiện Đề tài nghiên cứu cấp Quốc gia về test xét nghiệm do Bộ Khoa học và Công nghệ đại diện chủ sở hữu.
Sau đó, bằng nhiều thủ đoạn, các bị cáo thực hiện chuỗi hành vi sai phạm, biến test xét nghiệm từ sản phẩm nghiên cứu Đề tài thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm thuộc sở hữu của Công ty Việt Á, sản xuất, bán thương mại trên cả nước với giá đã được nâng khống, thu lời bất chính đặc biệt lớn.
Tại vụ án này, 38 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về các tội: vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng; vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí; đưa hối lộ; nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi.
Trong số đó, có 2 bị cáo bị Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao truy tố về 2 tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” và “đưa hối lộ” gồm: Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; Việt vừa bị Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội xử phạt 25 năm tù, án chưa có hiệu lực pháp luật); Vũ Đình Hiệp (Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á; Hiệp vừa bị Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội xử phạt 6 năm tù, án chưa có hiệu lực pháp luật).
Sáu bị cáo bị truy tố tội “nhận hối lộ” gồm: Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó Vụ trưởng, Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành Kinh tế-Kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ; Hùng vừa bị Tòa án Quân sự Thủ đô Hà Nội xử phạt 15 năm tù, án chưa có hiệu lực pháp luật), Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế), Nguyễn Huỳnh (cựu Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế), Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế, Bộ Y tế), Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế), Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương).