Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến- Chủ tịch Hội Việt Mỹ tiếp đoàn của tổ chức VFW
VFW là tổ chức cựu binh lớn nhất ở Mỹ, có uy tín và ảnh hưởng với chính giới, cựu binh và quân đội Mỹ. Được thành lập năm 1899, tới nay VFW có khoảng 1,7 triệu hội viên với gần 8.400 chi nhánh trên toàn thế giới. Ngoài ra, VFW có hơn 800.000 cảm tình viên và người ủng hộ.
VFW có quan hệ với Việt Nam từ năm 1991 khi cử đại diện tham gia đoàn các nghị sỹ Mỹ và Bộ Cựu chiến binh Mỹ thăm Việt Nam để bàn về vấn đề POW/MIA trong quan hệ hai nước.
Được biết, chuyến thăm Việt Nam là một phần quan trọng trong chuyến thăm hàng năm của lãnh đạo cấp cao của VFW tới khu vực châu Á - Thái Bình Dương gồm Hawaii, Lào, Việt Nam và Trung Quốc.
Lần này chuyến đi đoàn kéo dài từ ngày 15-22/3 và gồm 3 thành viên: ông Hal Roesch, Phó Tổng tư lệnh thứ hai VFW, Trưởng đoàn; ông Kevin Jones, Trợ lý Tổng tư lệnh VFW và ông Robert E. Wallace, Giám đốc Điều hành Văn phòng Đại diện của VFM tại Washington, người đã 14 lần sang thăm Việt Nam thông qua kênh của Hội Việt – Mỹ.
“Cảm ơn các bạn đã luôn giúp đỡ chúng tôi và tạo điều kiện cho đoàn VFW được thăm, tìm hiểu đất nước, con người và đặc biệt là các cựu chiến binh Việt Nam.” – ông Hal Roesch nói với “chủ nhà” Nguyễn Tâm Chiến, Chủ tịch Hội Việt - Mỹ thuộc Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, trong buổi tiếp thân tình chiều 18/3 tại Hà Nội.
Ông cho biết đoàn đến Việt Nam với tinh thần hòa bình, đoàn kết, hữu nghị, hòa giải, hướng tới tương lai, thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau. Và chuyến thăm lần này là cơ hội để đoàn và bản thân ông trực tiếp tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam.
Ông Hal Roesch chia sẻ những ấn tượng đầu tiên về Việt Nam: Ngay khi đặt chân đến Việt Nam, tôi đã cảm nhận thấy được sự phát triển năng động của Việt Nam, và đặc biệt là sự thân thiện và tình cảm của người dân Việt Nam. “Ngồi trong ô tô, tôi thấy rất nhiều người đi xe máy vẫy chào và mỉm cười với chúng tôi.”
“Lúc chúng tôi xuống máy bay tại TP.HCM, điều đầu tiên tôi cảm thấy là cái nóng của miền Nam. Thời tiết của Hà Nội bây giờ thì gần giống với quê hương tôi tại bang Virginia. Tôi đã được xem một vài bức ảnh rất đẹp về Đà Nẵng nên rất mong chờ được bay vào đó trong chuyến đi này. Chắc chắn tôi sẽ quay lại Việt Nam với tư cách của một người khách du lịch.”
Tìm kiếm hài cốt liệt sĩ: Trách nhiệm của cả hai phía
Thay mặt đoàn, ông Hal Roesch bày tỏ mong muốn có những đóng góp thiết thực hơn nữa vào quá trình giải quyết hậu quả chiến tranh.
Cũng theo ông, các cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam thì ngày một già đi và nhiều người trong số họ đã qua đời. Vì vậy, hơn lúc nào hết, càng cần phải có hoạt động mạnh mẽ hơn nữa. Năm nay, VFW sẽ tổ chức hơn 100 cuộc tiếp xúc, gặp gỡ các cựu binh trên khắp nước Mỹ. “Chúng tôi sẽ đặc biệt tập trung vào tìm kiếm và thu thập thông tin về bộ đội Việt Nam mất tích, hy sinh trong chiến tranh. Cái khó là phải thuyết phục được các cựu binh đến tham dự các buổi họp mặt và chia sẻ bất cứ thông tin nào hữu ích, không chỉ về lính Mỹ mà còn về bộ đội Việt Nam mất tích trong chiến tranh và trao cho phía ta theo con đường chính thức.. Chắc chắn, chúng tôi sẽ tiếp tục cố gắng thu thập thông tin, tư liệu càng nhiều càng tốt để cung cấp cho phía Việt Nam. Không chỉ tìm kiếm thông tin từ các cựu binh mà còn từ gia đình của các cựu binh đã mất. Có thể chỉ là tấm hình hay món đồ nào đó còn nằm sâu trong tủ…Đó là việc mà VFW sẽ đang cố gắng làm và hy vọng vào điều tốt nhất có thể xảy ra.”
Ông đặc biệt đánh giá cao sự hợp tác song phương trong hoạt động tìm kiếm thông tin và hài cốt quân nhân của hai phía mất tích trong chiến tranh, đồng thời cũng nhấn mạnh cựu chiến binh hai nước sẽ cần tiếp tục đồng hành trong việc hỗ trợ nhân đạo, khắc phục hậu quả chiến tranh, hợp tác cùng phát triển.
“Đây không còn là vấn đề chính trị, mà còn là vấn đề nhân đạo, nhân văn,” ông nhấn mạnh lại. “Hầu như hàng năm VFW đều có một đoàn sang làm việc tại Việt Nam vì chúng tôi đặc biệt quan tâm và coi trọng mối quan hệ hợp tác với Việt Nam. Đây là điều mà trong 2 năm này tôi sẽ cố gắng làm để tiếp nối bước chân của những người đi trước.”
Trong thời gian 1 tuần thăm Việt Nam, từ ngày 15-17/3, đoàn đã dành thời gian tham quan TP.Hồ Chí Minh. Từ ngày 17-19/3, đoàn gặp và làm việc với Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội. 3 ngày cuối chuyến đi, đoàn thăm một địa điểm tìm kiếm hài cốt lính Mỹ mất tích trong chiến tranh tại Việt Nam tại thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam) do Văn phòng tìm kiếm người mất tích của Việt Nam (VNOSMP) và Văn phòng MIA Mỹ (DPAA – Det 2) thu xếp.