Đó là phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương tại kỳ họp lần thứ 19, khóa X, HĐND TP Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021-2026 khai mạc ngày 29/7.
Tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Ngô Xuân Thắng cho biết, 6 tháng đầu năm 2024, hoạt động dịch vụ, du lịch tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố.
Nhiều công trình, dự án trọng điểm tại Đà Nẵng được khởi công, khánh thành, đưa vào sử dụng. Các chương trình an sinh xã hội tiếp tục được duy trì thực hiện tốt với những chính sách đặc thù, riêng có của thành phố.
Theo ông Thắng, kỳ họp lần này sẽ thảo luận, bàn bạc cho ý kiến với 152 tài liệu, dự kiến thông qua 32 nghị quyết với nhiều chủ trương quan trọng, có tác động lớn và trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân TP.
Kỳ họp sẽ xem xét, cho ý kiến một số chính sách an sinh xã hội mang tính đặc thù của Đà Nẵng. Đặc biệt, xem xét, cho ý kiến về việc triển khai thực hiện Nghị quyết 136/2024 của Quốc hội khóa XV về tổ chức mô hình chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng.
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại kỳ họp lần thứ 19 HĐND TP Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2021-2026. |
Dự và phát biểu tại phiên khai mạc, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận, biểu dương Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Đà Nẵng đã đoàn kết, vượt qua khó khăn, thách thức để đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.
Theo ông Trần Quang Phương, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 136 về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Điều đó thể hiện sự tin tưởng cao của Quốc hội và cử tri cả nước vào sự phát triển của Đà Nẵng trong tương lai…
“Đà Nẵng chính thức thực hiện chính quyền đô thị, đặc biệt là thành phố sẽ được thực hiện thí điểm nhiều cơ chế, chính sách đặc thù bao gồm quản lý tài chính, ngân sách nhà nước, quản lý đầu tư, quản lý quy hoạch đô thị, tài nguyên môi trường; chính sách ưu tiên, thu hút nhà đầu tư chiến lược, khu thương mại tự do, đầu tư phát triển vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo
Việc tổ chức thực hiện Nghị quyết với phạm vi chính sách khá rộng, trên nhiều lĩnh vực cũng đặt ra những thách thức rất lớn cho Đà Nẵng, đặc biệt là đối với HĐND TP cả về chất lượng ban hành văn bản cũng như tiến độ xây dựng”, Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay.
Để triển khai thành công Nghị quyết, Phó Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Đà Nẵng cần lưu ý các chính sách như thí điểm thành lập khu thương mại tự do; phát triển lĩnh vực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo; thực hiện chính thức mô hình chính quyền đô thị; thu hút nhân tài...
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho hay, Đà Nẵng cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đồ án quy hoạch phân khu sau khi được Chính phủ phê duyệt. Tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng khoa học và công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; khai thác hiệu quả các khu công nghệ thông tin tập trung, khu công viên phần mềm. Đẩy mạnh tiến độ triển khai các dự án, công trình trọng điểm. Thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển vùng, phát huy hiệu quả vai trò của hạt nhân tăng trưởng khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Đồng thời, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thứ hạng các chỉ số cải cách hành chính, hiệu quả quản trị và hành chính công, năng lực cạnh tranh...gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ.
|
Một góc Thành phố Đà Nẵng. |
Phát biểu tại kỳ họp, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho hay, khu vực thương mại, dịch vụ, du lịch tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố. Đặc biệt, thu hút khách quốc tế đã đạt mức tăng ấn tượng và vượt xa so với cùng kỳ 2019 (thời điểm chưa xảy ra dịch bệnh Covid-19).
Khách cơ sở lưu trú tại Đà Nẵng phục vụ 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt hơn 5,14 triệu lượt, tăng 25,6% so với cùng kỳ 2023 (6 tháng đầu năm 2019 ước đạt 3,35 triệu lượt).
Doanh thu lưu trú, ăn uống, lữ hành sáu tháng ước đạt hơn 16.000 tỷ đồng, tăng hơn 28,4% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, doanh thu lưu trú, lữ hành ước đạt hơn 8.300 tỷ đồng, tăng hơn 45%.
Theo ông Hồ Kỳ Minh, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng đề ra, trong 6 tháng cuối năm, Thành phố tiếp tục chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về đất đai, quy hoạch, thủ tục đầu tư và được sự hỗ tích cực, có kết quả từ các cơ quan Trung ương trong việc tháo gỡ đổi với các dự án có các khó khăn, vướng mắc từ các kết luận thanh tra, các bản án. Duy trì và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu, nhất là việc tập trung vào các thị trường lớn có dấu hiệu chậm lại như Trung Quốc, Nhật Bản...