Quốc hội sẽ họp khoảng 4,5 ngày, trong đó ngày cuối kỳ họp biểu quyết, thông qua các dự án luật, nghị quyết và xem xét, quyết định công tác nhân sự. Kỳ họp sẽ khai mạc sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng và bế mạc vào cuối tháng 2/2025. 

Giữa kỳ, Quốc hội nghỉ họp để các cơ quan có thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo trước khi trình Quốc hội thông qua.

Báo cáo việc chuẩn bị Kỳ họp bất thường lần thứ 9 sáng 7/1, Tổng thư ký Quốc hội Lê Quang Tùng cho biết Chính phủ đề nghị trình Quốc hội 7 nội dung thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy.

Đó là Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội và các luật khác có liên quan đến tổ chức và hoạt động của Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); các Nghị quyết của Quốc hội về thành lập một số bộ của Chính phủ khóa 15 nhiệm kỳ 2021 - 2026; Nghị quyết cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 16; Nghị quyết giải quyết các vấn đề phát sinh trong các quy định của pháp luật liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy và công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

 

Ngoài ra, Quốc hội cũng xem xét tờ trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng; dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết việc sắp xếp, tổ chức bộ máy của Quốc hội đòi hỏi phải sửa đổi nghị quyết điều chỉnh về cơ cấu, số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; nghị quyết thành lập Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban mới của Quốc hội sau sắp xếp.

Sắp xếp các bộ ngành cần sửa Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi). Quốc hội cũng xem xét, thông qua nghị quyết điều chỉnh cơ cấu tổ chức Chính phủ, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, điều chuyển, sáp nhập các bộ.

Hải Anh