Phát biểu khai mạc, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Dương Minh Lam - Trưởng phòng Khoa học và Công nghệ cho biết:

"Chương trình giáo dục phổ thông ban hành năm 2018, các môn nghệ thuật gồm Âm nhạc và Mỹ thuật đã được xác định đóng vai trò cốt lõi trong việc hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực thẩm mỹ của học sinh để đào tạo thế hệ trẻ trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hóa, cần cù, sáng tạo trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp 4.0.

Trước thực tiễn đó, với vai trò là một trong những cơ sở đầu ngành, trọng điểm về đào tạo giáo viên lịch sử và nghiên cứu về lý luận, phương pháp dạy học Âm nhạc, Mỹ thuật, Trường đại học Sư phạm Hà Nội đã xây dựng kế hoạch tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Giáo dục nghệ thuật theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại Việt Nam”.

Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã chia sẻ những ý kiến tâm huyết, có giá trị về mặt giáo dục nói chung và giáo dục Âm nhạc - Mỹ thuật nói riêng.

 Đoàn Chủ tịch điều hành Hội thảo

Làm rõ các cơ sở khoa học tin cậy, từ đó đưa ra những đề xuất, kiến nghị thiết thực góp phần giải quyết những vấn đề đặt ra đối với giáo dục nghệ thuật nhằm mục tiêu đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện, đủ đức, đủ tài để xây dựng đất nước. 

Năm 2018, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chương trình giáo dục có những nét đổi so với chương trình cũ.

Trong đó, đặc biệt nhấn mạnh ở giai đoạn Trung học Phổ thông khi lần đầu tiên các môn nghệ thuật (âm nhạc, mỹ thuật) được đưa vào giảng dạy ở chương tình Trung học Phổ thông. 

Từ đó, học sinh ở các cấp phổ thông được lựa chọn học môn âm nhạc và nghệ thuật. Cũng từ đây, học sinh mở mang tầm hiểu biết, trang bị thêm những kiến thức cho hành trang sau này. 

Điểm cơ bản của giáo dục nghệ thuật theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 so với chương trình giáo dục phổ thông 2006 là sự đổi mới về định hướng, góp phần hình thành, phát triển các phẩm chất chủ yếu và năng lực chung cho học sinh.

Đồng thời, thông qua việc trang bị những kiến thức cốt lõi, kỹ năng cơ bản về các lĩnh vực nghệ thuật, tập trung hình thành, phát triển năng lực thẩm mỹ và phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu nghệ thuật cho học sinh;

giáo dục thái độ tôn trọng, khả năng kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của dân tộc trong quá trình hội nhập và giao lưu với thế giới, đáp ứng mục tiêu giáo dục hài hòa về đức, trí, thể, mỹ cho học sinh.

Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà phát biểu tại Hội thảo 

Tiến sĩ Trần Thị Thu Hà - Trưởng khoa Nghệ thuật, Trường đại học Sư phạm Hà Nội cho biết:

"Ban tổ chức đã nhận được 64 báo cáo tham dự hội thảo.

Các báo cáo được chia làm 3 chủ đề bao gồm:

Đội ngũ giáo viên nghệ thuật;

Giáo dục nghệ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông 2018;

Môn nghệ thuật trong nhà trường phổ thông.

Với chủ đề về đội ngũ giáo viên nghệ thuật, Ban tổ chức cho biết, chủ đề này cho thấy một bức tranh tổng thể về đào tạo giáo viên nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) tại các cơ sở giáo dục nghệ thuật trong cả nước hiện nay.

Trong đó, phần lớn các bài viết đề cập đến những khó khăn, tồn tại trong công tác đào tạo đội ngũ giáo viên theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học, đồng thời đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục thực trạng này.

Một số bài viết khác đề cập thực trạng giáo dục giá trị văn hoá truyền thống, hay nâng cao năng lực số của sinh viên ngành Sư phạm Âm nhạc trong bối cảnh chuyển đổi số...

Ở chủ đề giáo dục nghệ thuật trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, đây là hướng nghiên cứu có những góc nhìn mới mẻ và mang tính đóng góp quan trọng đối với nội dung hội thảo, đồng thời đây cũng là nội dung thu hút sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học.

Các đại biểu phát biểu tại Hội thảo 
 

Các bài tham luận đã đề cập đến mục tiêu, định hướng, giáo dục nghệ thuật theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực trong các cơ sở giáo dục phổ thông tại Việt Nam;

phương pháp giáo dục nghệ thuật; thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng dạy học nghệ thuật ở trường phổ thông theo định hướng tiếp cận năng lực người học.

Một số bài là những suy ngẫm về chương trình, về biên soạn sách giáo khoa, về việc đưa âm nhạc dân tộc vào chương trình dạy học các cấp phổ thông hiện nay...

Với chủ đề 3, nhiều bài tham luận đề cập thực trạng và giải pháp về sự thiếu hụt đội ngũ giáo viên dạy nghệ thuật, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học môn nghệ thuật; quan điểm của đội ngũ nhà giáo về việc triển khai môn nghệ thuật, thực trạng và giải pháp về dạy học nghệ thuật ở trường phổ thông.

Một số bài viết khác đề cập đến vị trí, vai trò của môn học nghệ thuật trong trường phổ thông...

Phương Thảo - Thảo Uyên