Mặc dù các địa phương đang nỗ lực hồi phục, nhiều điểm du lịch vẫn chịu thiệt hại nặng nề và cần thêm thời gian để hoàn tất sửa chữa. Một số tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Cao Bằng vẫn đang đối mặt với nguy cơ sạt lở và giao thông đình trệ, dẫn đến việc nhiều tour du lịch bị hủy. Các doanh nghiệp lữ hành như Gió Hà Giang Travel và VietSense Travel đều ghi nhận sự thay đổi lịch trình của du khách quốc tế do ảnh hưởng của bão lũ.
|
Mù Cang Chải mở bán nhiều tour du lịch trở lại sau bão. |
Tại Lào Cai, dù bị sạt lở nghiêm trọng, đặc biệt ở thị xã Sa Pa, nhưng các khu du lịch đã khắc phục nhanh chóng. Ngày 13/9, UBND thị xã Sa Pa mở lại các điểm du lịch, yêu cầu đảm bảo an toàn cho du khách. Khu du lịch Sun World Fansipan Legend đã đón hàng trăm khách tham quan và các điểm du lịch khác cũng lần lượt mở cửa từ ngày 14/9.
|
Thị trấn Sa Pa ( Lào Cai ) đón những lượt khách du lịch. |
Tại Quảng Ninh, từ ngày 13/9, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã mở cửa đón khách tham quan tại các điểm đủ điều kiện, cùng với cảng tàu khách quốc tế Hạ Long và Tuần Châu đã hoạt động trở lại. Đã có hàng nghìn du khách đến tham quan, cho thấy dấu hiệu phục hồi tích cực.
|
Người dân Tuần Châu ( Hạ Long ) tích cực dọn dẹp đón khách du lịch. |
Tại Hải Phòng, các hoạt động du lịch tại vịnh Cát Bà đã được khôi phục từ ngày 12/9, với nhiều cơ sở lưu trú đã đón khách du lịch trở lại. Những cơ sở bị hư hỏng nặng đang trong quá trình sửa chữa.
Tại Hà Nội, sau khi hoàn thành việc khắc phục hậu quả do mưa bão, các điểm du lịch như Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Nhà tù Hỏa Lò đã đón khách trở lại. Từ ngày 19 đến 22/9, Festival Thu Hà Nội dự kiến sẽ được tổ chức sau một tuần hoãn do bão, góp phần xúc tiến và quảng bá du lịch của thành phố.
Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia, ông Hà Văn Siêu, nhấn mạnh rằng các doanh nghiệp cần chủ động ứng phó với những tình huống bất ngờ như thiên tai hoặc dịch bệnh, đồng thời hợp tác với địa phương để đảm bảo an toàn cho du khách và xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp.