leftcenterrightdel
 

Sáng 11/8, tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 24 của trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, ông Tăng Thế Cường, Cục trưởng Biến đổi khí hậu, Bộ Tài nguyên và Môi trường, nói 400 tỷ USD là số tiền cần có để tăng tốc chuyển đổi năng lượng sạch, triển khai chương trình cấp vùng cho đồng bằng sông Cửu Long, đầu tư tăng khả năng chống chịu cho vùng ven biển, giảm thiểu ô nhiễm không khí ở Hà Nội. Khoản tiền trên cũng nhằm hỗ trợ những tầng lớp chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão lũ, sạt lở đất, nước biển dâng.

Ông Cường đánh giá đây là con số rất thách thức vì tương đương với 6,8% GDP hàng năm, trong khi vốn từ ngân sách nhà nước dự kiến chỉ đáp ứng 130 tỷ USD.

Để giải quyết vấn đề, Bộ Tài nguyên và Môi trường đưa ra 5 giải pháp gồm: Tăng nguồn chi từ ngân sách theo mức độ tăng trưởng kinh tế; xây dựng chính sách phù hợp với các thể chế tài chính toàn cầu để thu hút đầu tư xanh; đẩy mạnh hợp tác công tư, huy động nguồn lực xã hội; tăng cường năng lực doanh nghiệp trong việc tiếp cận và huy động nguồn lực ODA, vốn ưu đãi và rà soát chính sách thuế, phí.

leftcenterrightdel
 

Nhìn lại kết quả 10 năm qua, lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết Việt Nam đã tham gia 11 điều ước, thỏa thuận quốc tế, cam kết phát thải ròng bằng 0 tại COP26, giảm khí mê tan 30% vào năm 2030. Chỉ tiêu giảm phát thải khí nhà kính trên đơn vị GDP đã vượt mức đề ra, giảm 8-10% so với năm 2010. Tỷ lệ tiết kiệm năng lượng tăng từ 3,4% giai đoạn 2006-2010 lên 5,65% giai đoạn 2011-2015.

Kịch bản biến đổi khí hậu, bản đồ ngập lụt làm cơ sở cho các địa phương phát triển kinh tế, xã hội đã được xây dựng. Thiệt hại do thiên tai giai đoạn 2018-2022 giảm 18% về người, 34% về vật chất so với giai đoạn 2013-2017.

Ngoài ra, Việt Nam đã huy động hợp tác quốc tế được 1,5 tỷ USD bằng nhiều dự án ứng phó với biến đổi khí hậu trên phạm vi cả nước. "Đây là hình mẫu về đối thoại chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu được cộng đồng quốc tế đánh giá cao", ông Cường nói.

banbientap