Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đã ban hành các quyết định về việc công bố Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với phở Nam Định, mỳ Quảng và áo dài Huế.

Theo đó, phở Nam Định được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình tri thức dân gian, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí: có tính đại diện, thể hiện bản sắc cộng đồng, địa phương; phản ánh sự đa dạng văn hóa và sự sáng tạo của con người, được kế tục qua nhiều thế hệ; có khả năng phục hồi và tồn tại lâu dài; được cộng đồng đồng thuận, tự nguyện đề cử và cam kết bảo vệ.

 Phở Nam Định.

Nam Định là quê hương của nghề phở. Phở là món ăn phổ biến trong văn hóa ẩm thực Việt Nam, được nhiều người ưa chuộng không chỉ ở trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Trải qua thời gian, phở đã trở thành niềm tự hào của đất và người Nam Định; khẳng định được giá trị thương hiệu ẩm thực với những nét độc đáo thể hiện trong tất cả các khâu: từ chuẩn bị, lựa chọn nguyên liệu, thực phẩm; phương thức làm ra sợi phở đặc trưng; công đoạn chế biến, hoàn thiện một bát phở ngon đảm bảo hương vị, chất lượng dinh dưỡng...

 Mỳ Quảng.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam Nguyễn Thanh Hồng cho biết, nghề chế biến mỳ Quảng cũng được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo ông Hồng, việc nghề chế biến mỳ Quảng được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đã khẳng định được giá trị văn hóa của tri thức dân gian. Qua đó, đẩy mạnh công tác bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa ẩm thực mì Quảng nhằm thu hút du khách, phát triển du lịch và kinh tế địa phương.

Nghề chế biến mỳ Quảng hội tụ giá trị ẩm thực đặc sắc của địa phương. Mỳ Quảng theo bước chân những lưu dân trong hành trình đi về phương Nam rộng mở, sẵn lòng đón nhận bất cứ nguyên liệu gì trên đường để dung nạp, tiếp biến làm nên sự đa dạng trong hương vị ẩm thực.

Đây chính là sản phẩm ẩm thực có nhiều biến tấu, làm nổi bật đặc trưng văn hóa dân gian; món ăn hiếm hoi có thể "chiều" được tất cả các kiểu khách; món ăn dân dã nhưng hàm chứa cả diễn trình lịch sử hình thành, hệ tri thức dân gian của vùng đất Quảng Nam.

Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Bộ trưởng Bộ VHTTDL đã đưa Tri thức may, mặc áo dài Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo thông tin từ Sở VHTT tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 1744, sau khi lên ngôi xưng vương ở phủ chính Phú Xuân, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã ban hành nhiều chính sách, tổ chức lại bộ máy và đề cập đến việc cải cách triều phục. Chiếc Áo dài được chú trọng, trân quý và trở thành trang phục chính của người dân ở vùng đất Đàng Trong, khẳng định tính tự chủ trong văn hóa.

Năm 1802 vua Gia Long đã có ý định phải thay đổi phục trang trên toàn đất nước nhưng không thực hiện được. Từ năm 1826 đến năm 1837, chính vua Minh Mạng đã quyết liệt thay đổi trang phục trong cả nước; từ đó, chiếc Áo dài được áp dụng rộng rãi và thống nhất trên phạm vi toàn quốc.

Tại Huế, chiếc áo dài đã trở thành hình ảnh quen thuộc, thân thương, đi vào cuộc sống, gắn liền với nếp văn hóa, tập quán, xuất hiện trong mọi hoạt động lễ nghi, hội hè và cả trong đời thường ở vùng đất Cố đô. Đó còn là nguồn cảm hứng bất tận đi vào thơ, ca, nhạc, họa.

Việc Tri thức may, mặc áo dài Huế được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia sẽ góp phần giúp địa phương phát triển, lan tỏa hơn nữa thương hiệu Áo dài Huế trong thời gian tới.