Sáng 31/5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội nghe Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự thảo Nghị quyết về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, việc xây dựng bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù để thể chế hóa Nghị quyết số 39 ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị, nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững.

Dự thảo Nghị quyết được xây dựng trên 4 quan điểm chỉ đạo, cụ thể: Các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013; bám sát mục tiêu, định hướng phát triển tỉnh Nghệ An theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị.

Việc đề xuất các cơ chế, chính sách dựa trên cơ sở lý luận, thực tiễn, khoa học, pháp lý đầy đủ và tình hình thực tế của tỉnh.

Các cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội khác với các quy định của pháp luật hiện hành hoặc chưa được quy định cụ thể trong các quy định pháp luật hiện hành; bảo đảm tính tương đồng với các tỉnh, thành phố trong cả nước đã có Nghị quyết riêng của Bộ Chính trị, Quốc hội.

Tăng cường phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tăng trách nhiệm của chính quyền tỉnh Nghệ An, đồng thời đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của Quốc hội, Chính phủ, Hội đồng nhân dân các cấp của tỉnh Nghệ An.

Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định 4 nhóm lĩnh vực với tổng số 14 chính sách, bao gồm: Quản lý tài chính - ngân sách Nhà nước (4 chính sách); Quản lý đầu tư (6 chính sách); Quản lý đô thị, tài nguyên rừng (2 chính sách); Tổ chức bộ máy và biên chế (2 chính sách).

 Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã thông tin về 4 chính sách đề xuất mới phù hợp thực tiễn phát triển của tỉnh Nghệ An.

Chính sách 1: Cho phép tỉnh Nghệ An khi xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách Trung ương cho ngân sách địa phương không tính đối với nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp) trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 3 điều 3 Dự thảo Nghị quyết).

Chính sách 2: Cho phép tỉnh Nghệ An được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ các dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh không có điều kiện tự trồng rừng thay thế phải nộp tiền trồng rừng thay thế vào Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh để thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên (khoản 2 điều 5 Dự thảo Nghị quyết).

Chính sách 3: Tỉnh Nghệ An được phân bổ thêm 50% số vốn đầu tư công nguồn ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2026-2030 để đầu tư các công trình hạ tầng trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An (khoản 4 điều 3 Dự thảo Nghị quyết).

Chính sách 4: UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó Chủ tịch (khoản 1 điều 6 Dự thảo Nghị quyết).

Với các nội dung dự thảo Nghị quyết, Chính phủ kính trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 5/2024) theo trình tự thủ tục rút gọn, thông qua tại một kỳ họp.

Báo cáo thẩm tra về dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An là có căn cứ chính trị, căn cứ pháp lý và đúng thẩm quyền.

Về các đặc thù về số lượng cấp phó (khoản 1 Điều 6), dự thảo quy định: "UBND tỉnh Nghệ An có không quá 5 Phó Chủ tịch”. 

Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, đây là nội dung liên quan đến chủ trương tinh giản biên chế, giảm cấp phó theo các nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị và đã được Bộ Chính trị đồng ý tại văn bản số 10036-CV/VPTW ngày 27/5/2024. Do đó, nhất trí với dự thảo nghị quyết.

Về điều khoản thi hành, đa số ý kiến cho rằng, dự thảo nghị quyết chưa thể hiện rõ thời hạn có hiệu lực của nghị quyết. 

Do vậy, đề nghị Chính phủ làm rõ nội dung này và quy định cụ thể trong nghị quyết thời hạn áp dụng là 5 năm.

Có ý kiến đề nghị xem xét thống nhất hiệu lực thi hành của nghị quyết này cùng với hiệu lực thi hành của Nghị quyết số 36/2021/QH15 để bảo đảm đánh giá đồng bộ các cơ chế thí điểm của tỉnh Nghệ An.

Hoài Nam