Tớ dày – cái tên bản địa thân thương này khiến nhiều du khách không ngại những nẻo đường xa, đặt chân lên non cao Tây Bắc để được hòa mình vào “không gian hồng” giữa núi cao trùng điệp. 

Cũng giống như mai anh đào được nhắc đến mỗi khi xuân về Đà Lạt, tớ dày được xem là loài hoa đặc trưng báo mùa xuân đã đến, nở đúng vào dịp cuối tháng 12 và Tết Dương lịch trên Mù Cang Chải. Cây thân gỗ này nở hoa theo độ cao phân bố, thông thường ở các vùng cao hơn thì hoa nở trước và mùa hoa kéo dài đến hết Tết Nguyên Đán.

Các bản Trống Tông, Trống Páo Sang, xã La Pán Tẩn có độ cao trên 1.000m là khu vực hoa nở sớm nhất. Sau đó, du khách có thể thưởng hoa tại một số nơi khác như bản Thào Chua Chải ở xã Chế Cu Nha, hay ở các xã Mồ Dề, Nậm Khắt, Púng Luông, Dế Xu Phình và trải dài đến tận xã Lao Chải.

Đường vào bản Trống Tông, xã La Hán Tânr, huyện Mù Căng Chải 

Hoa tớ dày có 5 cánh hồng phớt với nhụy dài đỏ kết thành từng chùm lớn rung rinh theo gió. Mùa hoa nở rạng rỡ giống như nàng công chúa xúng xính khoe xiêm y hồng, xua tan đi giá lạnh u sầu mùa đông. Những vạt hoa nở bên nếp nhà hay hai bên đường như trong những thước phim lãng mạn khiến du khách mê mẩn.

Đáng chú ý có những cây đào rừng cổ thụ cao trên 20m với tán vươn rộng, mang trong mình nét cứng cỏi, bất chấp thời tiết khắc nghiệt.

Mùa hoa nở còn thu hút nhiếp ảnh gia các vùng miền đến săn ảnh. Ai lần đầu đến nơi này cũng đều choáng ngợp trước không gian ngập hoa khoe sắc, nhìn từ trên cao như dải lụa hồng chảy tràn thung lũng.

Hoa Tớ day nở khắp các bản làng 

Ngoài việc lên Mù Cang Chải ngắm hoa, du khách còn được tìm hiểu các nét đẹp truyền thống văn hóa đặc sắc vào mùa hoa nở. Người H’Mông quan niệm vẻ đẹp của hoa tớ dày được ví như thiếu nữ căng tràn sức sống, quyến rũ bao trái tim của những chàng trai trong bản đang thổn thức yêu thương.

Tớ dày nở rộ cũng là lúc người H’Mông hội xuân vui nhất, khi nam thanh nữ tú hẹn hò đôi lứa, cùng luyện tập những điệu khèn trầm bổng, tiếng sáo rộn ràng và kéo nhau ra bản chơi ném pao.

Nguyễn Tấn Tuấn - Huỳnh Phương