Mặc dù là đầu tuần nhưng khu phố đêm là quảng trường bên chợ Đà Lạt có hướng nhìn thẳng ra Hồ Xuân Hương vẫn tấp nập du khách. Nhưng có lẽ cảm giác đó sẽ một đi không trở lại khi chứng kiến cảnh rác thải vứt đầy trên đường, chuột cống dạn dĩ đến mức vô tư ra ăn thức ăn thừa trên vỉa hè trước mặt du khách…
 |
Vườn hoa bùng binh tượng đài Phụ nữ Đà Lạt tấp nập quán hàng rong. |
Đêm thứ 2 đầu tiên của tháng 7 (ngày 2/7), anh Trịnh Minh Phương (sinh năm 1983 gốc Hà Nội hiện đang làm việc tại thành phố Bảo Lộc, Lâm Đồng) được dịp đón bạn bè từ Hà Nội vào chơi ở Đà Lạt đã trải qua những cảm giác kinh hoàng như thế.
Trong lúc ngồi cùng bạn bè dưới bùng binh chân tượng đài Phụ nữ trung tâm chợ đêm Đà Lạt, mỗi khi cần vứt vỏ lọn bia hay đót thuốc lá hút dở, bạn bè anh lại phải đôn đáo hỏi tìm xem thùng rác nằm ở chỗ nào.
Câu hỏi bình thường này khiến những người bán hàng rong nhìn nhóm du khách từ Hà Nội vào như “người ngoài tinh” vì hình như họ không có thói quen giữ gìn vệ sinh chung. Cứ nhìn vào vườn hoa bùng binh tượng đài Phụ nữ Đà Lạt chỉ khoảng vài trăm mét vuông nhưng lối đi nào, ghế đá nào cũng bị chiếm dụng làm nơi bán hàng.
 |
Hình ảnh rác thải ngổn ngang được nhóm anh Phương ghi lại. |
Người bán hàng rong vô tư nướng mực, nấu ăn ngay trên vườn hoa… còn rác thì đương nhiên xả ngay trên lối đi, trên thảm cỏ… bốc mùi và làm mồi cho chuột cống. Chuột cống ở đây dạn dĩ đến mức, mặc dù có người nhưng vẫn vô tư chạy lăng xăng khắp nơi và từ trong bụi cỏ ra “thưởng thức” thức ăn thừa. Đương nhiên, du khách và nhiều người sẽ không tin điều này nếu như không được tận mắt “mục sở thị”.
Ban đêm là thế, còn vào ban ngày bói không thấy thùng rác nào dưới tấm biển: "Bỏ rác vào thùng đúng nơi quy định/Chúng tôi sẽ chụp ảnh, quay phim hành vi xả rác bừa bãi".
Chứng kiến “những điều trông thấy, mà đau đớn lòng” này, anh Phương (người đã quay và gửi hình ảnh một con chuột cống vô tư thưởng thức món “trà sữa” bị một nhóm du khách trẻ vứt lại chân tượng đài Phụ nữ Đà Lạt) tâm sự: "Bạn bè tôi đã sốc khi thấy một Đà Lạt không hề mộng mơ như trong thơ, trong nhạc mà ngập tràn rác thải…"
Chưa dừng lại ở đó, đoàn du khách bạn anh Phương và tất cả du khách đến Đà Lạt những ngày nào đều choáng và sốc khi đi qua những hồ mộng mơ ngay sát hồ Xuân Hương nhưng bốc mùi vì rác thải dồn ứ. Điển hình là hồ lắng số 2 ngã ba Bùi Thị Xuân – Trần Quốc Toản, phường 2, thành phố Đà Lạt rác thải thành từng lớp bập bềnh sát mép ngay trên lối đi thơ mộng nhìn ra hồ Xuân Hương.
 |
Rác thải ngập tràn trong những hồ điều hoà cho thành phố. |
Mặc dù Đà Lạt với những cơn mưa thường xuyên mỗi chiều nhưng cũng không thể rửa trôi đi được mùi hôi và những hình ảnh rác thải xấu xí đang tồn tại nơi đây.
Tương tự, ở khu vực hồ lắng số 8 ngã ba phố Cách Mạng Tháng Tám – Trần Quốc Toản, phường 8 (thành phố Đà Lạt), rác thải được dọn lên nhưng lại để tập kết một chỗ gây ùn ứ, bốc mùi.
 |
Hồ lắng trên đường YERSIN. |
Còn ở hồ lắng số 10 trên đường YERSIN, phường 10, (thành phố Đà Lạt) có vị trí đắc địa nhất quanh hồ Xuân Hương cũng chung một “thảm cảnh” bị rác xâm lấn ngay sát đường dạo…
Trước những thực trạng đầy nghịch lý này, vị lãnh đạo Uỷ ban nhân dân phường 10 thành phố Đà Lạt - Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Khôi chỉ lặng lẽ chia sẻ cho phóng viên xem những hình ảnh thanh niên tình nguyện phường ra quân dọn rác từ bao giờ… nhưng không cung cấp thực trạng và giải pháp xử lý vì “quy chế phát ngôn”.
Đồng chí Khôi rất nhã nhặn xin phép chờ xin ý kiến và sẽ trả lời bằng văn bản sau trước vấn đề dân sinh tồn tại ngay trước mắt này. Trao đổi bên lề những vấn đề được phản ánh, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường 10 chia sẻ: Vấn đề quản lý hồ thuộc về ngành thuỷ lợi, đơn vị thu gom rác… nên rất khó giải quyết!?
Còn phía Ban quản lý chợ Đà Lạt cũng thừa nhận thiếu sót những ngày qua khi “quên mất” không để những thùng rác nhỏ hình con chim xinh với lời mời xin rác tại khu vực cần thiết phải có thùng rác.
 |
Rất khó để có thể tìm thấy thùng đựng rác. |
Ông Trương Văn Thu, Phó Ban quản lý chợ Đà Lạt cho biết, riêng khu bùng binh tượng đài phụ nữ Đà Lạt có đặt 3 thùng rác. Nhưng đến nay 3 thùng rác đã bị hỏng. Đơn vị đang phối hợp cùng Công ty Công trình đô thị thành phố xem đơn vị nào sẽ bỏ kinh phí mua lại. Riêng bán hàng rong khu vực trên là không được phép. Nhưng cần sự phối hợp của chính quyền và cơ quan vì lực lượng Ban quản lý chợ là khá mỏng.
Dưới cơn mưa nặng hạt chiều 3/7, tại những tuyến phố chính xung quanh hồ Xuân Hương, những công nhân vệ sinh môi trường vẫn cần mẫn thu gom từng túi nilon, từng mẩu rác du khách bỏ lại trên đường. Điều này, trái ngược với những gì đang diễn ra bên những phố nhỏ trung tâm thành phố. Phải chăng Đà Lạt đang đúng nghĩa là thành phố buồn… nhưng buồn vì rác.
Từ đầu năm 2024 đến nay, vấn đề rác thải luôn là chủ đề nhức nhối của thành phố Đà Lạt. Ngày 22/6, vừa qua, quyền Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng Nguyễn Thái Học cùng lãnh đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh, các sở ngành địa phương tổ chức hội nghị gặp gỡ, đối thoại với các doanh nghiệp trên địa bàn.
Tại buổi gặp mặt, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Môi trường Năng Lượng Xanh, nêu vấn đề liên quan đến việc thông báo ngưng tiếp nhận, xử lý rác thải của thành phố Đà Lạt thời gian qua mặc dù thành phố Đà Lạt mới chỉ báo "miệng", chưa có thông báo bằng văn bản về việc tạm ngưng thanh toán tiền xử lý rác theo chỉ đạo của UBND tỉnh Lâm Đồng đối với Công ty TNHH Năng Lượng Xanh.
Bên cạnh đó, không chỉ du khách mà cử tri thành phố Đà Lạt, người dân xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt, (Lâm Đồng) vẫn ngày ngày bức xúc vì rác thải đang làm buồn “thành phố tình yêu” và những lùm xùm về tình trạng ô nhiễm môi trường từ Nhà máy xử lý chất thải rắn Xuân Trường do Công ty TNHH Năng Lượng Xanh làm chủ đầu tư.
|
 |
Thành phố Đà Lạt trong một chiều mưa... |
Đà Lạt luôn rất đẹp, đẹp từ tính cách con người đến cảnh vật nên thơ. Chẳng thế mà nơi đây luôn được coi là điểm đến của lứa đôi hẹn hò tuần trăng mật, của du khách bốn phương… Và Đà Lạt sẽ còn đẹp hơn nếu được quan tâm ở mỗi góc phố con đường có một thùng rác đáng yêu nhưng dang tay chào đón với lời chào thân thiện "hãy gửi rác cho tôi" như bất kỳ thành phố nào trên đất nước này.