Sáng ngày 2/10, tỉnh Bình Thuận đã tổ chức trọng thể lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận Linga vàng là bảo vật quốc gia. Sự kiện này diễn ra trong khuôn khổ lễ hội Katê năm 2024, tại di tích tháp Pô Sah Inư, phường Phú Hài, TP Phan Thiết. Đây là một sự kiện văn hóa đặc biệt, ghi dấu sự vinh danh cho giá trị lịch sử và tín ngưỡng của người Chăm, góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.

 Ông Đoàn Anh Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tặng hoa chúc mừng đồng bào Chăm dịp Khai hội Kate tại lễ công bố Quyết định của Thủ tướng về công nhận bảo vật Quốc gia.

Trong buổi lễ, ông Võ Thành Huy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, nhấn mạnh vai trò lịch sử của khu di tích tháp Chăm Po Dam, nơi phát hiện Linga vàng. Tháp Po Dam nằm trên sườn núi Ông Xiêm, thuộc địa bàn xã Phú Lạc, huyện Tuy Phong. Khu di tích này được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia từ năm 1996.

Ngay từ sáng sớm, đông đảo đồng bảo Chăm cùng du khách đổ về di tích tháp Pô bảo Inư dịp Khai hội Ka tê và dự lễ công bố Linga vàng là bảo vật Quốc gia. 

Trong các đợt khai quật khảo cổ tại Po Dam từ năm 2013-2014, do Sở Văn hóa phối hợp với Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ tổ chức, nhiều hiện vật quý đã được phát hiện. Đặc biệt là phiến đá khắc chữ Chăm cổ dạng bia ký, xác định niên đại xây dựng tháp vào khoảng năm 710. Phát hiện này mang ý nghĩa lớn, giúp xác định khu tháp có từ đầu thế kỷ VIII, đồng thời liên hệ với các công trình kiến trúc cổ khác như Mỹ Sơn E1 và Mỹ Sơn C7 tại Quảng Nam.

 Một tiết mục văn nghệ đặc sắc của các thiếu nữ đồng bào Chăm tại lễ hội.

Tuy nhiên, điều nổi bật nhất trong đợt khai quật là sự xuất hiện của Linga vàng – một hiện vật mang giá trị tôn giáo và tín ngưỡng đặc biệt của người Chăm. Ngoài ra, các hiện vật khác như bệ yoni, bàn nghiền, và nhiều nhạc khí như chuông, chũm chọe, lục lạc cũng được tìm thấy. Những hiện vật này góp phần làm sáng tỏ thêm về lịch sử văn hóa Chăm, đặc biệt là tín ngưỡng thờ sinh thực khí – một phần không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Chăm tại di tích tháp Po Dam.

Sư cả Thường Xuân Hữu, Chủ tịch Hội đồng chức sắc Bàlamôn giáo tỉnh Bình Thuận, chia sẻ niềm vui và niềm tự hào khi Linga vàng được công nhận là bảo vật quốc gia. Ông nhấn mạnh: “Di sản văn hóa của người Chăm, được các thế hệ cha ông dày công vun đắp, nay trở thành tài sản quý báu để con cháu gìn giữ và phát huy. Việc công nhận Linga vàng là bảo vật quốc gia không chỉ là niềm tự hào của cộng đồng người Chăm mà còn là sự khẳng định giá trị lâu bền của di sản văn hóa dân tộc.”

 Linga vàng được công nhận là bảo vật quốc gia

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Thuận, tính đến đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đang lưu giữ, bảo quản và trưng bày hàng chục ngàn hiện vật, cổ vật, tài liệu có giá trị về lịch sử, văn hóa và nghệ thuật tại các bảo tàng, di tích, và cơ sở tín ngưỡng. Đáng chú ý, nhiều di sản văn hóa Chăm đã được Nhà nước đầu tư tu bổ, tôn tạo và phục dựng để phát huy giá trị. Trong đó, Bình Thuận có hai ngôi tháp và ba ngôi đền thờ được xếp hạng di tích quốc gia, năm ngôi đền thờ được công nhận di tích cấp tỉnh, và hai di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

 Du khách tham gia lễ hội

Đặc biệt, nghề làm gốm truyền thống của người Chăm tại Bình Thuận đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp, một bước tiến lớn trong việc bảo tồn di sản quý báu này. Điều này càng làm nổi bật vai trò của Bình Thuận trong việc bảo vệ, tôn vinh và phát triển các giá trị văn hóa của dân tộc Chăm.

Lễ công bố bảo vật quốc gia Linga vàng không chỉ là sự kiện trọng đại của cộng đồng người Chăm mà còn khẳng định cam kết của chính quyền và nhân dân Bình Thuận trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần làm rạng rỡ di sản văn hóa của Việt Nam trên trường quốc tế.

 
Minh Châu