Sáng sáng, người dân thị trấn Hùng Sơn (Lâm Thao, Phú Thọ) rất quen thuộc trước hình ảnh một cặp vợ chồng lão ông, lão bà chở nhau trên chiếc xe Cup 82 đi ăn sáng, uống cà phê trước khi về làm bạn với sân vườn.
Chúng tôi hỏi đường, không cần phải tả nhiều về khuôn mặt ông lão thế này, bà lão thế kia, người dân thị trấn Hùng Sơn sẵn sàng chỉ về tận nhà cặp vợ chồng đi xe máy kia. Đó là nhà của ông Thái Anh Kỳ và bà Lê Thị Định.
|
Hình ảnh đời thường của ông Thái Anh Kỳ và bà Lê Thị Định. Ảnh: LC |
Ông Thái Anh Kỳ (sinh năm 1934) – nguyên Phó Giám đốc nhà máy Supe Lâm Thao và vợ là bà Lê Thị Định (sinh năm 1938) là tấm gương người cao tuổi tiêu biểu ở thị trấn Hùng Sơn.
Thăm nhà ông Thái Anh Kỳ chúng tôi mới biết ông Kỳ chính là người đề xuất ý tưởng hình ảnh “Ba nhành cọ” làm nhãn hiệu hàng hóa của Công ty Supe Lâm Thao.
Tiếp tục hoàn thiện ý tưởng ấy, về sau “Ba nhành cọ” trở thành biểu tượng của Công ty CP Supe PP&HC Lâm Thao, niềm tự hào của các thế hệ người lao động nơi đây.
Ông Thái Anh Kỳ vốn là người con của đất lửa Quảng Trị đầy nắng gió, ngay từ lúc nhỏ ông Kỳ đã bước bộ vào vùng chiến khu để học tập và tham gia quân đội với nhiều hoài bão.
|
Đồng tác giả của logo quen thuộc với nhà nông. Ảnh: LC |
Năm 1962, tổ chức giao cho ông Kỳ nhiệm vụ mới, nhiệm vụ xây dựng phát triển nhà máy Supe Lâm Thao. Cuộc sống gian khổ thời chiến cùng sự can đảm của người con đất lửa tiền tuyến Quảng Trị, ông Kỳ đã không ngại khó khăn gắn bó với nhà máy.
Sau 34 năm gắn bó với nhà máy, từ công nhân lên Phó Giám đốc, đến năm 1996, ông Kỳ nghỉ hưu và sống ở thị trấn Hùng Sơn.
60 năm qua, gia đình ông có tới 3 thế hệ làm việc tại Supe Lâm Thao. Giờ ở tuổi 91, cựu Phó Giám đốc vẫn khỏe mạnh, là bậc tiền bối mẫn tiệp của thế hệ cán bộ, người lao động Supe Lâm Thao ngày nay.
Tâm sự về cả một đời người đi qua chiến loạn, gắn bó với từng khó khăn của đất nước, lúc an nhàn tuổi già, ông Thái Anh Kỳ tâm sự: “Nhà máy đi vào sản xuất và ổn định được đến năm 1965 thì bắt đầu bước vào giai đoạn khó khăn gian khổ nhất của 10 năm kháng chiến: vừa sản xuất vừa chiến đấu. Nhà máy là một trong những mục tiêu đánh phá trọng điểm của Mỹ vào ngành công nghiệp ở miền Bắc. Từ năm 1965 đến 1972, Nhà máy chịu tất cả 27 trận bom, trong đó bị đánh trúng dây chuyền sản xuất 3 lần.
|
Niềm vui tuổi già của nguyên Phó Giám đốc nhà máy Supe Lâm Thao. Ảnh: LC |
Vượt lên trên tất cả khó khăn, chúng tôi hoàn thành mọi nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước giao. Để có một cơ ngơi như hiện nay của Supe Lâm Thao, không biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và cả máu đã đổ xuống.
Có thể nói, những năm tháng lịch sử hào hùng nhất của Nhà máy với ngọn lửa cách mạng được hun đúc từ tinh thần anh dũng, từ khối óc sáng tạo và từ đôi bàn tay khéo léo, những người công nhân - người chiến sỹ đã kiên cường vừa sản xuất vừa chiến đấu đã viết nên những trang sử vàng của Nhà máy Supe Lâm Thao…
“Thời của chúng tôi, khó khăn là chuyện rất bình thường. Mọi việc đều có cách giải quyết. Nhưng quan trọng, cả thế hệ chúng tôi làm việc bằng cái tâm, sự nhiệt huyết và với khát vọng của người dân vừa giành được độc lập, vừa thoát khỏi nô lệ. Nhưng hơn cả, là sự gắn bó đằng sau khát vọng thay đổi cuộc sống của người nông dân Việt Nam mình".
|
Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông bà vẫn đã và đang là tấm gương để con cháu noi theo. Ảnh: LC |
Nói về chuyện tình “già” của mình, cụ ông đã 90, tự hào nhớ lại, tất cả bắt đầu từ những năm 1950, thời điểm ông Kỳ vẫn còn là một chàng thanh niên tuổi đôi mươi, với khát vọng tuổi trẻ, ông rời bỏ tất cả để dấn thân vào chiến khu với hoài bão cách mạng. Trong những ngày gian khó đó, ông dành cho cách mạng trọn vẹn tình yêu và khát vọng đánh tây giải phóng đất nước.
Sau khi tập kết ra Bắc, ông Kỳ làm cán bộ thuế ở Nghệ An và đã để mắt đến bà Lê Thị Định, một cô gái xinh đẹp làm việc trong ngành Thương nghiệp.
Tình yêu của họ bùng nổ như cơn sóng trên biển cả, và bà Định từ bỏ cuộc sống xa hoa để đi theo ông Kỳ, lên non xuống biển.
Cuộc sống gian khổ trong những năm chiến tranh không làm mờ đi tình yêu sâu nặng của họ, mà ngược lại, càng làm cho nó bền chặt hơn. Ông Kỳ lên non, bà Định cũng theo lên non, ông Kỳ xuống biển, bà Định cũng xuống biển.
Chính vì vậy, khi nghe tin ông Kỳ về vùng Lâm Thao làm anh công nhân nhà máy Super, bà Định không hề do dự rời xa Nghệ An, đồng hành cùng ông trên con đường xây dựng và phát triển ngành công nghiệp nặng.
Tình yêu của họ trở thành nguồn động lực to lớn, giúp họ vượt qua mọi khó khăn trên con đường chung.
|
Hạnh phúc của tuổi già là thấy con cháu trưởng thành và vui quây quần. Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Năm 1991, khi đến tuổi về hưu, ông Kỳ đã thành lập CLB thể thao gia đình, mang tên CLB TAK, nơi ông và gia đình sum họp và tận hưởng niềm vui của thể thao. Câu lạc bộ bóng bàn TAK có đến hàng chục thành viên thường xuyên sinh hoạt.
Không chỉ ông Kỳ tham gia mà bà Định cũng là một tay vợt rất cừ. Câu lạc bộ bóng bàn TAK của các cụ ở Lâm Thao cũng vừa kỷ niệm 30 năm ngày thành lập.
Không chỉ với niềm vui thể thao, ở tuổi 90, ông Thái Anh Kỳ vẫn tham gia hoạt động văn hóa văn nghệ với vai trò là Trưởng Ban Biên tập các hoạt động Thơ-Văn-Nhạc của Hội Hưu trí Supe Lâm Thao.
|
Câu lạc bộ T.A.K kỷ niệm 32 năm ngày thành lập. Ảnh: CLB cung cấp |
Nhờ những hoạt động thể thao, văn thơ, âm nhạc nên cả ông Kỳ và bà Định dù tuổi đã cao nhưng vẫn vô cùng minh mẫn.
Chính vì vậy, người dân thường thấy những buổi sáng trong lành, ông Kỳ dẫn bà Định đi dạo quanh vườn nhà, cùng nhau hái rau và chăm sóc cây cảnh.
Những năm tháng bên nhau, từ những năm tuổi trẻ đầy hoài bão cho đến tận tuổi già, ông Kỳ và bà Định luôn giữ gìn tình yêu son sắt và tình yêu tuổi già của ông bà là tấm gương để lớp trẻ noi theo.
Nói về câu chuyện của mình, hai ông bà chỉ cho rằng đó là chuyện rất bình thường của những người cùng thế hệ.
Khi được hỏi về bí quyết giữ gìn hạnh phúc và bí quyết sống thọ của hai ông bà, ông Kỳ nhỉ hóm hỉnh: “Tôi chẳng bao giờ cãi bà ấy. Còn sống thọ thì trời cho đến đâu mình hưởng đến đó. Nhưng quan trọng là người cao tuổi phải ham sống, phải vui khỏe, nhìn cuộc sống một cách tích cực. Mình bây giờ không chỉ sống cho mình nữa rồi. Mà sống cho cả con cháu noi theo".
Còn bà Định thì gói gọn trong câu: “Một ngày chồng vợ, nghĩa tình trăm năm”, chính vì thế điều duy nhất mà chúng tôi đi với nhau cả cuộc đời chính là niềm tin và nghĩa vợ chồng.
Còn nói về cuộc sống tuổi già, bà Định cho rằng tuổi già mình phải sống vui vẻ và yêu cuộc sống, đây là tôi coi là một cách sống tích cực.
Điều này có nghĩa là tự nhận thức được những khó khăn cụ thể trong cuộc mà tuổi già mình đang đối diện và tìm cách tạo ra niềm vui mới để vượt qua.
Gặp gỡ bạn bè, hàng xóm, con cháu và giúp đỡ những người khác... chúng tôi luôn tạo ra công việc để mình làm vừa đỡ buồn chân tay, vừa lao động giữ gìn sức khỏe.