Sáng 1/11, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam chính thức mở cửa phục vụ du khách tham quan miễn phí đến hết tháng 12/2024.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong các bảo tàng quốc gia và đứng đầu trong hệ thống Bảo tàng Quân đội. Hiện đang lưu giữ và trưng bày hơn 15.000 tài liệu, hiện vật.

Trong đó có 4 Bảo vật Quốc gia gồm: máy bay MiG-21 số hiệu 4324; máy bay MiG-21 số hiệu 5121; Bản đồ Quyết tâm chiến dịch Hồ Chí Minh và xe tăng T-54B số hiệu 843. 

Bảo tàng (cũ) tọa lạc tại số 28A đường Điện Biên Phủ, phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội, đối diện Công viên Lenin và địa chỉ của Bảo tàng (mới) từ tháng 11/2024 sẽ ở Km 6+500 Đại Lộ Thăng Long, phường Tây Mỗ, Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội.

 Dưới đây là những hiện vật, tài liệu được lưu giữ trong Bảo tàng
 
 Kỉ vật, tài liệu về những cuộc chiến quan trọng của dân tộc được cất giữ, trưng bày trang trọng tại Bảo tàng

Ghi nhận của phóng viên Tạp chí Việt Mỹ, ngay trong ngày đầu mở cửa, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã thu hút đông đảo lượng khách trong và ngoài nước tới tham quan. Tại đây, nhiều người đã không khỏi xúc động, ngỡ ngàng trước thiết kế hoành tráng, sống động của bảo tàng mới. 

Người dân được trực tiếp chạm vào hiện vật khiến cho trải nghiệm trở nên đặc biệt và sống động hơn bao giờ hết.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí Việt Mỹ, cụ Vũ Văn Tiến (quận Nam Từ Liêm) - cựu chiến binh tại chiến trường Điện Biên Phủ năm 1945, một trong những vị khách đầu tiên tham quan bảo tàng xúc động khi được sống lại những ký ức một thời tuổi trẻ hào hùng chiến đấu cùng đồng đội trên chiến trường xưa. Để giờ đây khi hòa bình lập lại, đất nước phát triển, nhưng những người đồng đội lại không thể cùng cụ chứng kiến khoảnh khắc lịch sử này:

“Tôi đến đây từ sớm, ngay lúc 8h sáng khi bảo tàng vừa mở cửa, tôi cùng gia đình đã bắt đầu vào thăm rồi. 

Khi xem khu vực trưng bày kỷ vật thời kỳ chống Pháp, tôi cảm thấy được sống lại những kỷ niệm của thời kỳ trai trẻ trong quân đội, nhất là thời kỳ chiến đấu ở Điện Biên Phủ. 

Năm đánh Điện Biên Phủ là tôi 18 tuổi, ở Sư đoàn 316. Năm nay vừa qua kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ là tôi được 88 tuổi.”

Cụ Vũ Văn Tiến cùng con trai đã có mặt tại Bảo tàng từ sáng sớm để đợi chờ khoảnh khắc bảo tàng chính thức mở cửa chào đón khách tham quan.

Nói đến đây, cụ không giấu nổi nỗi xúc động, đôi mắt ngấn lệ nhớ về một thời kỷ niệm đã qua, đồng thời cũng kỳ vọng vào thế hệ trẻ sẽ gìn giữ đất nước, đưa đất nước ngày một phát triển hơn nữa:

“Ngày hôm nay, khi nhìn lại chặng đường đã qua, từ thời chống Pháp cho tới thời kỳ chống Mỹ, vũ khí cũng đã được trang bị hiện đại hơn rất nhiều. Với nền quốc phòng như hiện tại, bản thân tôi cảm thấy tin tưởng vào việc giữ gìn đất nước của thế hệ đi sau.

Khu vực xây dựng bảo tàng quốc phòng làm tôi cảm thấy có ấn tượng rất lớn bởi Nhà nước và Bộ Quốc phòng đã rất quan tâm đến việc đầu tư xây dựng, chúng tôi cũng vô cùng biết ơn những người đã lưu trữ những tài liệu, những hình ảnh cho đến bây giờ vẫn còn tốt để giúp cho nhân dân sống lại được những kỷ niệm của thời kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. 

Thời kỳ cha ông đã oanh liệt chiến đấu giữ gìn bảo vệ đất nước, thế hệ các bạn trẻ bây giờ có điều kiện, văn hóa tốt hơn các cụ chúng tôi thời trước. 

Hy vọng các cháu sẽ sử dụng trí tuệ của mình và những vũ khí tối tân của thế hệ mới để gìn giữ và phát triển đất nước hơn nữa.”

Bé Trần Minh Đức (sống tại Hà Nội) hào hứng khi được mẹ đưa tới thăm Bảo tàng từ sáng sớm:

“Sáng nay mẹ đưa con đi khám bệnh rồi con mới được đến Bảo tàng. 

Ở đây có xe tăng to, có máy bay đẹp mà con mới được thấy trên ti vi. Con thích lắm! 

Con sẽ đến lớp kể cho các bạn nghe để các bạn cũng được đến đây ạ.” 

Hai anh em bé Trần Minh Đức hào hứng, mong đợi từ đầu tuần để được mẹ đưa tới tham quan Bảo tàng quân sự 
 

Bạn Vũ Minh Huyền, sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có mặt từ lúc mở cửa Bảo tàng chia sẻ thêm:

“Em có mặt từ lúc 8h sáng, khoảnh khắc mở cửa bảo tàng em cảm thấy xúc động khó diễn tả. Bởi lúc em đến đã có rất nhiều các bác là cựu chiến binh có mặt từ rất sớm, các bác đi theo đoàn rất đông. Đặc biệt là cũng có rất nhiều bạn trẻ như chúng em đến từ sớm. 

Ngoài cảm xúc xúc động, bản thân em cảm thấy vô cùng tự hào, tự hào vì thế hệ đi trước đã anh dũng hy sinh để bảo vệ Tổ quốc, tự hào vì thế hệ trẻ yêu lịch sử, dành thời gian tìm hiểu và quan tâm tới lịch sử.

Là một người trẻ, bản thân em sẽ cố gắng rèn luyện tu dưỡng đạo đức, trau dồi kiến thức, tiếp tục cố gắng phấn đấu để xây dựng đất nước ta ngày càng phát triển hơn.”

Nhiều người trẻ với niềm đam mê tìm hiểu về lịch sử đã có mặt từ sáng sớm để chào đón sự kiện này. 

Bảo tàng được triển khai phần mềm thuyết minh tự động, khách tham quan sẽ sử dụng phương tiện để nghe được toàn bộ phần thuyết minh cũng như thông tin, lịch sử về tài liệu, hiện vật được trưng bày trong bảo tàng.

Các hiện vật như máy bay, xe tăng, các loại khí tài lớn… thu được trong các cuộc kháng chiến sẽ được trưng bày ở 2 khu vực quảng trường 2 bên với diện tích lớn. 

Không gian rộng, mở với thiết kế hoành tráng khiến cho trải nghiệm tham quan của du khách trở nên thú vị hơn bao giờ hết
Mô hình tàu hải quan được trưng bày tại bảo tàng quân sự

Bảo tàng không chỉ lưu giữ những kỷ vật mang giá trị lịch sử thời kháng chiến mà còn đóng vai trò là cầu nối giữa các thế hệ, truyền tải tinh thần dân tộc cho thế hệ trẻ. 

Đây là nơi lý tưởng để các bạn trẻ tìm hiểu về lịch sử, hiểu và trân trọng những hy sinh, đóng góp to lớn của thế hệ cha ông. Từ đó khơi dậy lòng tự hào, ý thức trách nhiệm gìn giữ, phát triển đất nước của thế hệ tiếp bước cha ông.

 


Phương Thảo