Có mặt tại ngã tư Lê Thánh Tông – Trần Hưng Đạo, gần khu vực trước Nhà tang lễ Quốc gia từ 5h, vợ chồng anh Nguyễn Văn Thủy và chị Nguyễn Thị Dung quê ở huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An nắm tay nhau, đứng nép trên vỉa hè. Anh Nguyễn Văn Thủy kể rằng, hai vợ chồng anh đón xe khách đi Hà Nội từ chiều tối hôm trước.
|
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Thủy và chị Nguyễn Thị Dung đón xe từ quê lên Hà Nội để được vào viếng đồng chí Tổng Bí thư.
|
Khoảng 4h, khi xe khách đến bến xe Nước Ngầm, cả hai vợ chồng anh đón xe ôm chở về khu vực Nhà tang lễ Quốc gia để chờ được vào viếng đồng chí Tổng Bí thư. Từ khi nghe tin đồng chí Tổng Bí thư từ trần, cả hai vợ chồng anh Thủy tưởng chừng như mất đi một người cha, người thân yêu trong gia đình. Cả hai vợ chồng cố gắng thu xếp công việc ở quê cho gọn gàng rồi gửi nhà cửa nhờ hàng xóm trông nom hộ, đón xe khách lên Hà Nội với mong muốn được vào tận nơi kính viếng đồng chí Tổng Bí thư.
Trong tâm trạng xúc động, chị Nguyễn Thị Dung bày tỏ, anh chị là những người dân ở quê, chưa có điều kiện được gặp trực tiếp đồng chí Tổng Bí thư nhưng qua xem đài, báo, ti vi và thực tế cuộc sống cho thấy đồng chí Tổng Bí thư là một tấm gương sáng ngời, nhân cách lớn lao, có sức lan tỏa đến tất cả mọi người để mọi người cùng hướng thiện, cùng đoàn kết chăm lo cuộc sống. “Dù ở xa nhưng vợ chồng chúng tôi sẽ quyết tâm ở lại Hà Nội chờ đến khi nào được vào viếng đồng chí Tổng Bí thư thì lúc đó chúng tôi mới yên lòng quay về quê”-chị Nguyễn Thị Dung tâm sự.
Hòa trong dòng người ở khắp mọi miền của Tổ quốc đến Nhà tang lễ Quốc gia để chờ được vào viếng đồng chí Tổng Bí thư, bác Nguyễn Chí Sĩ năm nay đã hơn 80 tuổi, quê ở huyện Chương Mỹ (Hà Nội) không giấu được nỗi xúc động, nghẹn ngào khi nhắc đến đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Nhà ở xa nên bác Sĩ phải đón xe buýt từ ngày hôm trước để lên ở nhờ nhà người thân tại phố Thái Hà, quận Đống Đa. Sáng sớm nay, bác được người thân đưa lên đứng ở trước khu vực Nhà tang lễ Quốc gia chờ được vào viếng đồng chí Tổng Bí thư.
|
Bác Nguyễn Chí Sĩ xúc động khi nhắc đến đồng chí Tổng Bí thư.
|
“Chúng tôi là những người cao tuổi, dẫu hiểu sinh – lão – bệnh – tử là quy luật của tạo hóa nhưng sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư đã để lại cho tôi nỗi xúc động, bồi hồi. Có thể nói, cả cuộc đời của đồng chí Tổng Bí thư đã cống hiến đến giây phút cuối cùng cho Đảng, cho đất nước, cho dân tộc Việt Nam. Những giá trị và di sản của đồng chí Tổng Bí thư để lại là tài sản vô giá đối với nhân dân, đất nước chúng ta cũng như bạn bè quốc tế”- bác Nguyễn Chí Sĩ cho biết.
Đứng ở cạnh đó, bác Nguyễn Đình Thi, người cựu chiến binh của Trung đoàn 274, Sư đoàn 377 năm nào cũng không giấu được nỗi bồi bồi, xúc động khi nhắc đến đồng chí Tổng Bí thư. Nhà ở Vĩnh Phúc nên bác Nguyễn Đình Thi và các đồng đội, cựu chiến binh ở quê nhà đã thuê xe ô tô đi từ sớm để lên cho kịp, chờ được vào viếng đồng chí Tổng Bí thư.
|
Bác Nguyễn Đình Thi bồi hồi trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư.
|
Khi được hỏi về cảm tưởng và ấn tượng nhất về đồng chí Tổng Bí thư, bác Nguyễn Đình Thi xúc động: “Đồng chí Tổng Bí thư là người rất giản dị, liêm khiết và tận tụy, hết lòng với công việc. Khi xem những video kể về những thời khắc cuối đời của bác vẫn miệt mài bên chiếc bàn làm việc đơn sơ, lo cho dân, cho đất nước, tôi và những người thân trong gia đình không cầm được nước mắt. Là cựu chiến binh nên có lẽ hơn ai hết, bản thân tôi hiểu được giá trị của độc lập, tự do, của sự phát triển đất nước nên càng thêm quý trọng, yêu mến đồng chí Tổng Bí thư”.
Cùng xin nghỉ hai ngày để được trọn vẹn vào viếng, đưa tiễn đồng chí Tổng Bí thư, em Lê Thị Thùy và Đặng Hà Thu, quê ở Thanh Oai cũng có mặt tại khu vực Nhà tang lễ Quốc gia từ sáng sớm. Ấn tượng nhất với Thùy và Thu về đồng chí Tổng Bí thư là chiếc áo sờn bác mặc nhiều năm và đã cắt ngắn ống tay để tiết kiệm khi ống tay áo đã rách.
|
Bác Đoàn Thị Ngọc Lan, cựu chiến binh quê ở Phúc Thọ khóc nghẹn trước sự ra đi của đồng chí Tổng Bí thư.
|
Bác là tấm gương sáng ngời về sự liêm khiết. Bác cũng rất quan tâm đến các thế hệ trẻ và luôn dặn dò những người trẻ như chúng em phải sống và cống hiến sao cho thật đẹp, thật rực rỡ để phát triển đất nước cường thịnh. "Chúng em mong sớm được vào kính viếng đồng chí Tổng Bí thư cũng như sẽ đưa tiễn bác về nơi an nghỉ cuối cùng”- Nguyễn Thị Thu xúc động lau nước mắt tiếc thương.
Bác Đoàn Thị Ngọc Lan, cựu chiến binh quê ở huyện Phúc Thọ cũng thuê trọ gần khu vực Nhà tang lễ Quốc gia từ chiều hôm trước để kịp viếng đồng chí Tổng Bí thư. Từ hôm đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, bác Lan đã lấy hình ảnh của đồng chí Tổng Bí thư làm hình nền trên điện thoại di động của mình để bày tỏ lòng thương tiếc. "Cả cuộc đời đồng chí Tổng Bí thư đã cống hiến trọn vẹn đến giây phút cuối cùng cho đất nước, cho nhân dân. Lòng dân chúng tôi luôn hướng về đồng chí Tổng Bí thư, người cộng sản kiên trung hết lòng vì nhân dân, vì đất nước"- bác Lan nghẹn ngào.