Theo thống kê, Hà Nội có 15 tuyến sông lớn, nhỏ, trong đó 3 tuyến sông chính, gồm sông Hồng, sông Đuống và sông Đà với tổng chiều dài là có với tổng chiều dài hơn 490km.

Còn trên tuyến sông Hồng đoạn đi qua phía nam Hà Nội bắt đầu từ quận Tây Hồ đến huyện Phú Xuyên có khoảng 13 bến thủy nội địa.

 

Toàn bộ chủ bến, người dân sinh sống ven sông đều được tập huấn các kỹ năng an toàn và cứu nạn, cứu hộ trên sông.
Ghi nhận trong sáng 31-7, nhiều tàu thuyền và chủ bến phà trên tuyến sông Hồng địa bàn huyện Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên đã được tuyên truyền về an toàn giao thông đường thuỷ.

Ông Nguyễn Văn Thịnh (ở xã Thắng Lợi, huyện Thường Tín, Hà Nội) chủ phà ngang số hiệu VS 14031617 biển kiẻm soát HY 0569 cho biết, những ngày này mực nước lên cao nhưng nhu cầu đi lại của người dân tỉnh Hưng Yên sang Hà Nội và ngược lại qua sông không giảm.

Trong quá trình vận chuyện hành khách ngoài việc trang bị đủ áo phao và các điều kiện an toàn khác, thì hành khách qua phà cũng được tuyên truyền về các điều kiện an toàn cho bản thân và công đồng.
Còn ông Đỗ Đức Nhân (ở phường Bạch Hạc, thành phố Việt Trì, Phú Thọ) chủ tàu số liệu VR 14034355 biển kiểm soát PT 2988 cho biết thêm, những ngày nước sông lên cao, luồng lạch bảo đảm nhưng vẫn đề phòng nước xiết, khi di chuyển qua các cây cầu và tuyệt đối tuân thủ khối lượng hàng hoá được chuyên chở.

 

Hàng ngày đi trên các tuyến sông Hồng, sông Đà, sông Đuống…  người dân chúng tôi hoàn toàn yên tâm khi cảnh sát giao thông vẫn tổ chức ứng trực và tuần tra.
Trung tá Đinh Ngọc Đạo, Đội phó Đội Cảnh sát giao thông đường thuỷ số 2, Phòng Cảnh sát giao thông khuyến cáo, trong thời gian mùa mưa lũ mực nước dâng cao, chảy siết dẫn đến một trong những nguy cơ dễ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) đường thủy do va trôi ở những chân cầu vượt sông.

Nguyên nhân khách quan tác động trực tiếp đến quá trình xảy ra TNGT là do một số cầu vượt sông được xây dựng có khoang thông thuyền, khoảng tĩnh không thấp, hẹp như cầu sắt Long Biên, cầu Đuống… dẫn đến phương tiện qua lại khó khăn. 
“Nguyên nhân chủ quan dẫn đến tai nạn đường sông do nước chảy xiết. người lái phương tiện cố tình không chấp hành điều tiết, quy chế đi lại hoặc thiếu kinh nghiệm sông nước, bất chấp những cảnh báo đã được đưa ra, sức máy của phương tiện không thắng nổi sức nước làm phương tiện bị nghiêng mạn, va đập vào chướng ngại vật dẫn đến TNGT” – Trung tá Đạo nhấn mạnh.

Để khuyến cáo phương tiện đường thuỷ lưu thông trong mùa lũ, Đội Cảnh sát giao thông đường thuỷ số 1 và số 2 đã  đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau.

Từ đầu tháng 7 đến nay, 2 đơn vị đã tổ chức trực tiếp tuyên truyền các quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa, phát tờ rơi cho lái tàu, chủ phương tiện, hành khách, nhân dân ven sông biết và thực hiện.

Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra kiểm oats lưu động, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm theo chuyên đề 

Tăng cường tuần tra kiểm soát lưu động, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo chuyên đề, tập trung vào các lỗi vi phạm là nguyên nhân tiềm ẩn gây TNGT đường thủy như chở hàng hóa quá vạch mớn nước an toàn, điều khiển phương tiện không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn, phương tiện hoán cải, không có đăng ký, đăng kiểm…

Đặc biệt trên sông Đà, sông Hồng, sông Đuống… đã đồng thời hướng dẫn luồng, cảnh báo, điều tiết giao thông tại các khu vực có ghềnh đá. Các khu vực ngập sâu, cầu yếu, luồng hẹp, các điểm xung yếu, nước chảy siết và khu vực đang xây dựng các công trình vượt sông.
Trong thời gian tới, hướng tới mục tiêu không để xảy ra TNGT do va trôi tại các khu vực chân cầu vượt sông trong mùa mưa lũ, Cảnh sát đường thủy đề nghị người điều khiển phương tiện thủy, chủ phương tiện, người tham gia giao thông thường xuyên quan tâm, theo dõi, cập nhật tình hình có liên quan đến dự báo thời tiết hàng ngày, trong những thời điểm thời tiết xấu, mưa to, gió lớn, các phương tiện thủy không được lưu thông. 

Chấp hành nghiêm các quy tắc giao thông, quy chế đi lại qua cầu, thực hiện theo chỉ dẫn của biển báo hiệu, phao tiêu và điều tiết của các cơ quan chức năng.

Từ đầu năm 2024 đến nay, riêng Đội Cảnh sát giao thông đường thuỷ số 2 đã tiến hành bắt giữ 17 vụ với 61 đối tượng và 25 phương tiện thủy (9 tàu hút tự hành, 6 tàu hút sang mạn, 6 tàu chở hàng) khai thác cát trái phép.

Đơn vị trực tiếp thiết lập hồ sơ đề xuất các cấp có thẩm quyền ra quyết định xử phạt hành chính về hành vi khai thác cát trái phép đối với 8 đối tượng, phạt thành tiền 2.860.156.500 đồng, tịch thu 1 tàu thủy, 611,6 mở cát; hiện còn 3 vụ việc đang tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định.

Minh Trí