Trong nhiều năm trở lại đây, Nghệ An được thế giới biết đến là một điểm nóng về nuôi nhốt, buôn bán hổ trái phép. Theo nhiều nguồn tin, hiện có khoảng gần 300 cá thể hổ đang bị nuôi nhốt trái phép tại một số hộ dân trên địa bàn huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu và Yên Thành. Phần lớn các cá thể hổ con có nguồn gốc từ Lào, số còn lại có thể đến từ các cơ sở tư nhân được cấp phép nuôi hổ.

image.gifMột trong những cơ sở nuôi hổ được đăng ký dưới tên vợ của một đối tượng đã có 2 tiền án về buôn bán hổ trái phép. Một số chuyên gia cho rằng, có thể đối tượng này sử dụng vỏ bọc hợp pháp để tuồn hổ con đến các cơ sở khác, nơi các cá thể hổ này tiếp tục bị nuôi nhốt cho đến khi trưởng thành và bán ra thị trường.

 Nghệ An là đầu mối của đường dây buôn bán hổ trái phép tại Việt Nam.

Ngày 25/10/2023, Công an huyện Diễn Châu đã phát hiện, bắt giữ Phạm Văn Phượng, một đối tượng buôn bán hổ lớn, và thu giữ hai bộ da hổ. Phượng là em trai của Phạm Văn Tuấn, chồng của chủ Khu du lịch sinh thái Hòn Nhạn (huyện Diễn Châu).

Với mối quan hệ anh em ruột, không thể loại trừ khả năng nguồn gốc của hai bộ da hổ là từ Khu du lịch sinh thái Hòn Nhạn. Cũng vì vậy, việc áp dụng hình phạt nghiêm khắc nhất đối với Phạm Văn Phượng theo quy định của pháp luật không chỉ góp phần thực thi hiệu quả pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã (ĐVHD) trên địa bàn tỉnh Nghệ An mà còn đảm bảo Khu du lịch sinh thái Hòn Nhạn hoạt động một cách hợp pháp và minh bạch.

“Các đối tượng phạm tội nghiêm trọng về hổ như Phạm Văn Phượng cần phải bị xử phạt nghiêm minh để đảm bảo mục tiêu răn đe với các đối tượng đã và đang buôn bán hổ trái pháp luật. Nếu các đối tượng như Phạm Văn Phượng vẫn nhận được sự khoan hồng thì Nghệ An vẫn sẽ tiếp tục là điểm nóng về nuôi nhốt và buôn bán hổ trái phép.” bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV chia sẻ.

 Bộ da hổ bị tịch thu.

Theo Cơ sở dữ liệu vi phạm về động vật hoang dã của ENV, từ năm 2018 đến nay, 65% những đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm liên quan đến ĐVHD tại Nghệ An chỉ phải nhận án treo hoặc phạt tiền. Mức phạt này thấp hơn nhiều so với mức phạt bình quân trên cả nước đối với loại tội phạm này. Điển hình là vào tháng 2 năm 2021, một đối tượng tại Nghệ An chỉ phải nhận bản án 24 tháng tù treo khi bị phát hiện nuôi nhốt trái phép hai cá thể hổ tại nhà riêng.

Theo ENV, việc chỉ áp dụng mức án treo với các đối tượng phạm tội về động vật hoang dã sẽ không thể hiện được quyết tâm loại bỏ triệt để tình trạng nuôi nhốt, buôn bán động vật hoang dã trái phép tại Nghệ An.

Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến vượt bậc trong nỗ lực đấu tranh với tội phạm về ĐVHD trong 5 năm qua. Tuy nhiên, những gì đang diễn ra tại Nghệ An ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực chung trên cả nước.” - ông Douglas Hendrie, một chuyên gia với 28 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phòng chống buôn bán ĐVHD trái phép nhận định.

Theo cơ sở dữ liệu của ENV, hiện nay, mức hình phạt tù trung bình áp dụng với các đối tượng buôn bán hổ trái phép là 2,5 năm.

Công sức, nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc điều tra, bắt giữ các đối tượng buôn bán hổ sẽ không phát huy nhiều tác dụng nếu những đối tượng này không nhận được bản án thích đáng theo quy định của pháp luật,” bà Hà chia sẻ thêm. “Việc quan trọng nhất lúc này là các cơ quan tiến hành tố tụng tại Nghệ An cần thể hiện tinh thần KHÔNG KHOAN NHƯỢNG và áp dụng hình phạt có tính chất răn đe cao với những đối tượng buôn bán hổ trong mọi trường hợp. Chỉ có vậy thì Nghệ An mới không còn là điểm nóng về buôn bán hổ và theo kịp với các tỉnh thành khác trên cả nước trong nỗ lực đấu tranh với các tội phạm về ĐVHD.”

Được biết, phiên tòa xét xử Phạm Văn Phượng sẽ diễn ra vào ngày 21/3/2024 tới tại trụ sở Tòa án Nhân dân huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Hoàng Linh