Dự hội thảo quốc tế "Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu", sáng 4/5, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, công tác đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn không chỉ phục vụ Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, nhu cầu của các doanh nghiệp tại Việt Nam mà cần nằm trong bài toán tổng thể của ngành vi mạch bán dẫn, công nghiệp điện tử toàn cầu.

Theo Phó Thủ tướng, ngành vi mạch bán dẫn là nền tảng của công nghiệp điện tử hiện đại, giữ vai trò hết sức quan trọng đối với nhiều giải pháp công nghệ hiện nay. Hệ thống năng lượng, giao thông, công nghệ thông tin, điện toán hay các tiến bộ trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (BigData), viễn thông 5G, siêu máy tính, tự động hóa, quốc phòng, an ninh… đều dựa vào sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của ngành vi mạch bán dẫn.

     
Việt Nam đặt muc tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch bán dẫn

Công nghiệp vi mạch bán dẫn đóng vai trò quan trọng định hình sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế toàn cầu; thúc đẩy xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển dựa vào tri thức của toàn cầu. Ở chiều ngược lại, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và sự phát triển của công nghiệp điện tử là chỗ dựa mạnh mẽ công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Thị trường chip bán dẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trong suốt 20 năm qua, và được dự báo sẽ trở thành ngành công nghiệp nghìn tỷ USD vào năm 2030.

Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn có tính toàn cầu hóa. Với các đặc thù là sự phức tạp của sản phẩm, đòi hỏi sự đầu tư lớn về sản xuất và yêu cầu cao về trình độ lao động, kích thước, hiệu năng xử lý quyết định năng lực canh tranh của sản phẩm và ưu thế của các nhà sản xuất.

Giải 'bài toán' nhanh chóng xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao, chuyên môn sâu

Phó Thủ tướng khẳng định, Việt Nam nhận thức rõ về vai trò, tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn và hiện đang đứng trước thời cơ to lớn để trở thành một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

Việt Nam hiện có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Trong quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ, hai bên đặc biệt nhấn mạnh hợp tác đột phá là đổi mới sáng tạo và công nghệ cao; Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác với Hoa Kỳ về phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn trong khuôn khổ chuyến thăm vừa qua của Tổng thống Joe Biden tháng 9/2023.

Gần đây, các tập đoàn sản xuất vi mạch bán dẫn hàng đầu (NVIDIA, Intel, Samsung, Synopsys…) đã có nhiều chuyến thăm, làm việc, khẳng định sự quan tâm, hợp tác, đẩy mạnh nghiên cứu, nghiên cứu cơ hội đầu tư, phát triển, hướng tới xây dựng các trọng điểm sản xuất bán dẫn tại Việt Nam.

"Chúng ta cần nhìn nhận, giải quyết vấn đề 'định vị' và 'dịch chuyển' của cuộc đua phát triển ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu bằng những bài toán cụ thể với thời gian sớm nhất, ngắn nhất, trong đó, nguồn nhân lực sẽ quyết định sự thành công hay không thành công", Phó Thủ tướng nói và cho rằng những chủ trương, định hướng, quan điểm, mục tiêu, đường lối của Đảng, Nhà nước về ngành công nghiệp bán dẫn cần đi đôi với lộ trình, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, phân công rõ ràng.

 Chính phủ và các ban ngành nỗ lực trong việc xây dựng lộ trình đào tạo ngành bán dẫn

Phó Thủ tướng nêu rõ, việc nhanh chóng xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn là mấu chốt, là cơ hội, cũng là thách thức lớn nhất để Việt Nam phát huy tốt tiềm năng, lợi thế. Mỗi công đoạn của ngành vi mạch bán dẫn cần dự báo, đánh giá nhu cầu nhân lực của thị trường trong nước, thế giới, cũng như xu hướng phát triển của các ngành công nghiệp điện tử.

Nhấn mạnh mối liên hệ chặt chẽ giữa công nghiệp bán dẫn với nghiên cứu cơ bản, triển khai, chuyển giao, ứng dụng sản xuất, Phó Thủ tướng mong muốn các nhà quản lý, các tổ chức ngoại giao, đơn vị đào tạo, các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận, đóng góp, đề xuất của về xu thế, cơ hội, giải pháp để Việt Nam có thể giải được "bài toán" nhanh chóng xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn. "Chính phủ cần làm gì để cùng với doanh nghiệp xác định chiến lược đào tạo nhân lực ngành vi mạch bán dẫn có cơ sở khoa học, thực tiễn vững chắc", Phó Thủ tướng nói.

Thành Nam