Đây là con số được đưa ra tại họp báo công bố chuỗi sự kiện Ngày không tiền mặt năm 2024.
Phát biểu tại họp báo, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết đến hết năm 2023, Việt Nam có hơn 182 triệu tài khoản thanh toán cá nhân và có 87,08% người trưởng thành sở hữu tài khoản thanh toán; hơn 147 triệu thẻ ngân hàng đang lưu hành và 32,77 triệu ví điện tử đang hoạt động.
Về vấn đề đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho hoạt động thanh toán, ông Lê Anh Dũng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã thường xuyên có các văn bản chỉ đạo toàn ngành, trong đó yêu cầu các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán rà soát quy trình, quy định nội bộ.
Song song đó, ưu tiên áp dụng mở tài khoản thanh toán/ví điện tử bằng phương tiện điện tử (eKYC) đối với khách hàng sử dụng căn cước công dân gắn chip. Tăng cường công tác quản lý rủi ro, thực hiện hậu kiểm 100% đối với các tài khoản/ví điện tử mở bằng eKYC…
|
Việt Nam có hơn 32 triệu ví điện tử đang hoạt động |
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an tổ chức kiểm tra về an toàn hệ thống thông tin và hoạt động mở, sử dụng tài khoản thanh toán tại nhiều tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán.
Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên chỉ đạo các đơn vị trong ngành làm tốt công tác truyền thông để nâng cao nhận thức về an toàn thông tin, phòng chống lừa đảo, gian lận thanh toán cho toàn thể cán bộ ngành ngân hàng và khách hàng.
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng đã và đang tích cực phối hợp với Bộ Công an triển khai Đề án 06 ứng dụng dữ liệu dân cư phục vụ cho công tác làm sạch dữ liệu, xác minh thông tin khách hàng thông qua căn cước công dân gắn chip, tài khoản VNeID và hỗ trợ trong việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng.
Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã và đang phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất chương trình gameshow "Tiền khéo Tiền khôn", chương trình "Đồng tiền thông thái" trong chuyên mục Chào buổi sáng"; chương trình "Tay hòm chìa khóa" - sử dụng đồ họa trực quan thông tin và hình ảnh hóa các quy trình thực hiện các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng, thanh toán không dùng tiền mặt.
Ngân hàng Nhà nước cũng phối hợp với các cơ quan báo chí để truyền thông giáo dục tài chính qua các bài viết, phóng sự; thực hiện các chương trình "Ngày không tiền mặt" cùng Báo Tuổi trẻ, xây dựng chuyên mục "Tư vấn Tài chính" trên Báo Đầu tư; phối hợp các trường học tổ chức cuộc thi "Hiểu đúng về tiền", "Hiểu biết về tài chính" dành cho học sinh, sinh viên…