Ông Suan Teck Kin, Giám đốc Khối Nghiên cứu thị trường và Kinh tế toàn cầu của UOB nhận định, tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam rất hứa hẹn cho cả năm 2024 và 2025, đặc biệt là khi so sánh với mức tăng trưởng chậm hơn là 5% vào năm 2023.
Triển vọng này nhờ hiệu suất của các ngành như sản xuất, điện tử, đồ nội thất và ôtô đang tích cực.
Bất chấp một số thách thức toàn cầu như lãi suất cao và nhu cầu chậm lại ở các thị trường phát triển, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Việt Nam thuộc nhóm cao nhất ở châu Á, cho thấy sự mở rộng liên tục.
Theo chuyên gia UOB, thương mại của Việt Nam đã có sự phục hồi đáng kể, đặc biệt là xuất khẩu và nhập khẩu, vượt qua mức giảm trong năm 2023.
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn mạnh mẽ, với hai năm liên tiếp đạt mức cao kỷ lục. Chỉ riêng 7 tháng đầu năm, vốn FDI thực hiện đạt 13 tỷ USD, chủ yếu từ Singapore, Trung Quốc đại lục, Hong Kong và Nhật Bản. Xu hướng này cho thấy sự tin tưởng của nhà đầu tư, doanh nghiệp vào khả năng cạnh tranh và tiềm năng của Việt Nam, theo UOB.
Ngành bán lẻ dần phục hồi trên nhiều phân khúc khác nhau. Du lịch quốc tế thu hút gần 10 triệu lượt khách, tính đến tháng 7. Nhà băng này dự báo khách ngoại có thể không đạt đỉnh trước Covid là 18 triệu lượt nhưng triển vọng tốt do các điều kiện kinh tế thuận lợi như lãi suất thấp và tâm lý tiêu dùng cải thiện.
Ông Suan Teck Kin cho rằng lạm phát vẫn đáng quan tâm khi CPI tháng 7 tăng 4,36% so với cùng kỳ năm ngoái, gần với mục tiêu 4,5% của Ngân hàng Nhà nước. Lạm phát cơ bản, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, đang giảm, nhưng lạm phát toàn phần bị thúc đẩy bởi giá thực phẩm và nhà ở tăng.
Chuyên gia dự báo lạm phát tại Việt Nam sẽ duy trì ở mức khoảng 4% cho đến cuối năm và tỷ giá đã giảm nên ít khả năng Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ lãi suất.