Trong kỷ nguyên hội nhập tài chính toàn cầu, việc định danh doanh nghiệp một cách chính xác và minh bạch ngày càng trở nên quan trọng. Mã định danh pháp nhân (Legal Entity Identifier – LEI) ra đời như một giải pháp giúp doanh nghiệp tham gia thị trường quốc tế thuận lợi hơn, tăng cường sự minh bạch trong giao dịch và nâng cao uy tín với đối tác.

Hiện nay với việc Việt Nam là một trong 10 quốc gia tham gia thí điểm chương trình LEI trong thương mại quốc tế, các doanh nghiệp trong nước có cơ hội lớn để tận dụng lợi thế này mở rộng hợp tác và phát triển bền vững trên thị trường toàn cầu.

Xu hướng minh bạch tài chính và nhu cầu định danh doanh nghiệp

Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử, giao dịch tài chính xuyên biên giới và các hình thức đầu tư quốc tế đòi hỏi một hệ thống định danh doanh nghiệp thống nhất trên toàn cầu.

Trước đây, mỗi quốc gia có hệ thống mã số doanh nghiệp riêng, gây khó khăn trong việc xác định đối tác trong các giao dịch tài chính. Đặc biệt, sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007-2008, các cơ quan quản lý nhận thấy sự cần thiết của một hệ thống định danh chung giúp theo dõi và kiểm soát rủi ro tốt hơn.

 

Mã LEI ra đời vào năm 2011 dưới sự thúc đẩy của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi G20 cùng với sự quản lý của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Hiện nay, hệ thống LEI được vận hành bởi Tổ chức Toàn cầu Quản lý Mã số Định danh Pháp nhân (GLEIF) và đã trở thành tiêu chuẩn bắt buộc trong nhiều giao dịch tài chính tại hơn 45 quốc gia.

Tại Việt Nam, dù mới được triển khai, số lượng doanh nghiệp đăng ký LEI đã tăng lên hơn 300, chủ yếu thuộc các lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bảo hiểm, thương mại điện tử và các startup gọi vốn từ nước ngoài.

Tuy nhiên, con số này vẫn còn rất khiêm tốn so với tổng số hơn một triệu doanh nghiệp đang hoạt động. Điều này cho thấy dư địa phát triển LEI tại Việt Nam còn rất lớn, đặc biệt khi nhu cầu minh bạch hóa tài chính và giao dịch quốc tế ngày càng tăng.

Mã LEI là gì và tại sao doanh nghiệp cần nó?

Mã LEI là một chuỗi gồm 20 ký tự chữ và số, được cấp theo tiêu chuẩn ISO 17442:2012, giúp định danh một doanh nghiệp duy nhất trên phạm vi toàn cầu. Không giống như các hệ thống mã số doanh nghiệp trong nước, mã LEI mang tính toàn cầu và có thể liên kết với dữ liệu pháp lý của doanh nghiệp, bao gồm quyền sở hữu và thông tin nhận diện pháp nhân.

 
 

Một trong những ưu điểm lớn nhất của mã LEI là khả năng minh bạch hóa giao dịch tài chính, giúp các tổ chức tài chính, ngân hàng, nhà đầu tư và cơ quan quản lý dễ dàng xác minh danh tính doanh nghiệp, từ đó giảm thiểu rủi ro trong hoạt động tín dụng và giao dịch xuyên biên giới.

Việc sở hữu mã LEI mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực có tính chất giao dịch quốc tế cao như xuất nhập khẩu, tài chính, công nghệ và thương mại điện tử. Với mã LEI, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn quốc tế dễ dàng hơn, giảm thiểu chi phí thẩm định đối tác và nâng cao uy tín trong mắt khách hàng, nhà đầu tư.

 
 

Bên cạnh đó, LEI cũng giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định tài chính quốc tế, đặc biệt là các tiêu chuẩn chống rửa tiền, phòng chống gian lận tài chính. Một số thị trường lớn như Mỹ và EU đã đưa ra các yêu cầu bắt buộc về mã LEI trong các giao dịch tài chính, do đó, việc đăng ký mã LEI không chỉ giúp doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường mà còn đảm bảo tuân thủ đầy đủ các quy định của quốc tế.

Thực trạng và tiềm năng phát triển LEI tại Việt Nam

Từ đầu năm 2022, Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia, thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), đã chính thức trở thành đơn vị cấp mã LEI tại Việt Nam.

Trước đây, doanh nghiệp Việt Nam muốn đăng ký LEI phải thông qua các tổ chức nước ngoài, gây mất thời gian và chi phí. Nay với việc Trung tâm MSMV Quốc gia trở thành đơn vị cấp phát chính thức, doanh nghiệp có thể đăng ký LEI ngay trong nước với quy trình nhanh chóng và chi phí hợp lý hơn.

Theo khảo sát, hiện có khoảng 67% doanh nghiệp đăng ký LEI thuộc các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm và tài chính, 17% thuộc ngành thương mại điện tử và 16% là các startup hoặc tổ chức phi lợi nhuận nhận vốn đầu tư từ nước ngoài. Số lượng doanh nghiệp sử dụng LEI tại Việt Nam vẫn còn hạn chế, nhưng với xu hướng toàn cầu hóa và nhu cầu minh bạch hóa thông tin doanh nghiệp, con số này được dự báo sẽ tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

 
 

Một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển của LEI tại Việt Nam là việc nước ta được chọn là một trong 10 quốc gia tham gia thí điểm chương trình LEI trong thương mại quốc tế do Hải quan Mỹ triển khai. Chương trình này nhằm tăng cường tính minh bạch của hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, giảm thiểu rủi ro gian lận và nâng cao hiệu quả quản lý chuỗi cung ứng. Đây là một cơ hội lớn để các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tận dụng lợi thế của LEI trong việc tiếp cận thị trường Mỹ và các nước phát triển.

Mã LEI – Chìa khóa để doanh nghiệp Việt Nam vươn xa

LEI không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường tài chính quốc tế mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Khi các quốc gia ngày càng thắt chặt các quy định về minh bạch tài chính, sở hữu mã LEI sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng được chấp nhận trong các giao dịch thương mại và tài chính, tránh rủi ro pháp lý.

Ngoài ra, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và công nghệ tài chính (fintech), việc áp dụng LEI sẽ giúp doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận đối tác và khách hàng quốc tế, tối ưu hóa quy trình quản lý tài chính và giảm thiểu thời gian xử lý hồ sơ tín dụng.

Hiện nay, nhiều tập đoàn đa quốc gia đã bắt đầu tích hợp LEI vào hệ thống quản lý đối tác, giúp họ dễ dàng kiểm tra thông tin về các công ty mà họ đang hợp tác. Điều này mở ra một xu hướng mới, trong đó LEI sẽ trở thành một tiêu chí quan trọng để đánh giá uy tín và năng lực của doanh nghiệp trong bối cảnh thương mại toàn cầu.

Đăng ký mã LEI – Bước đi chiến lược cho doanh nghiệp Việt Nam

Với sự hỗ trợ từ Trung tâm Mã số, Mã vạch Quốc gia, doanh nghiệp Việt Nam có thể đăng ký mã LEI dễ dàng thông qua hệ thống trực tuyến. Quy trình đăng ký nhanh chóng, chi phí hợp lý và được hỗ trợ bằng tiếng Việt, giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian và giảm thiểu rào cản ngôn ngữ.

Việc sở hữu mã LEI không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định tài chính quốc tế mà còn là một bước đi chiến lược để nâng cao uy tín, mở rộng thị trường và tạo dựng lòng tin với đối tác. Trong giai đoạn chuyển đổi số mạnh mẽ, việc áp dụng LEI là xu hướng tất yếu giúp doanh nghiệp Việt Nam hội nhập thành công vào nền kinh tế toàn cầu.

 
Phương Thảo