Ngày 9/12, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức phiên họp toàn thể "Khóa họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 11" nhằm thảo luận các vấn đề trong lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên giữa hai nước cũng như những định hướng trong thời gian tới; báo cáo kết quả của 4 nhóm công tác trong lĩnh vực: Khoa học sức khỏe và y tế; biến đổi khí hậu; bảo tồn và công nghệ sinh học trong nông nghiệp.

Tại phiên họp, đánh giá cao việc tổ chức "Khóa họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 11, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho rằng, trong bối cảnh mới, Việt Nam vừa trải qua đại dịch COVID-19, lại xuất hiện nhiều mối đe dọa mới phi truyền thống, đã trực tiếp đe dọa tới sức khỏe, dịch bệnh, biến đổi khí hậu và cả những vấn đề phát sinh từ khoa học và công nghệ... vì vậy cùng nhau nhìn nhận để thúc đẩy sự phát triển mới trong bối cảnh số.

 

leftcenterrightdel
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy. Ảnh minh họa: Bộ Khoa học và Công nghệ

 

Thứ trưởng Bùi Thế Duy cho biết, thực tế hiện nay, tốc độ phát triển khoa học và công nghệ không chỉ tại Hoa Kỳ, Việt Nam mà trên thế giới diễn ra nhanh như vũ bão, tác động trực tiếp đến đời sống người dân. Cùng với việc công nghệ đã thay đổi rất nhiều trong vấn đề ứng dụng thực tế, công nghệ số, trí tuệ nhân tạo cũng diễn ra mạnh mẽ và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững.

Trong 10 năm tới, ngoài phát triển khoa học và công nghệ, Việt Nam sẽ thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển tuần hoàn, gắn kết khoa học và công nghệ với cuộc sống, thương mại hóa để đưa các kết quả nghiên cứu vào ứng dụng, đưa các sản phẩm khoa học và công nghệ tạo ra sản phẩm nhanh nhất. Đồng hành với đó là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với nhiều các quỹ đầu tư, các chuyên gia tư vấn..., sẽ thúc đẩy hệ sinh thái Việt Nam phát triển rộng rãi. Việt Nam mong muốn với sự hợp tác, hỗ trợ từ phía Hoa Kỳ, hai nước cùng hướng tới sự phát triển chung trong thời gian tới.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của "Khóa họp Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học và công nghệ Việt Nam - Hoa Kỳ lần thứ 11", ông Marc E Knapper, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Hợp chúng quốc Hoa Kỳ tại Việt Nam cho rằng, thông qua sự hợp tác, hai bên sẽ ngày càng hợp tác với nhau nhiều hơn trong cộng đồng khoa học và công nghệ, thúc đẩy sự phồn vinh và tiến bộ của cả hai nước. Hợp tác là để tìm ra phương thức mới giải quyết được các mối quan hệ chung, đề xuất những định hướng phát triển và học hỏi lẫn nhau, cùng với các nhà khoa học giải quyết các vấn đề thúc đẩy phát triển thế hệ mới trong các lĩnh vực: Y tế, nông nghiệp, công nghệ sinh học...

Đặc biệt, năm 2023 kỷ niệm 10 năm mối quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Hoa Kỳ. Vì vậy, với mối quan hệ hợp tác lâu dài, hai bên có thể nâng cấp sự hợp tác trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, hỗ trợ và trao đổi trong nghiên cứu.

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận các nội dung liên quan đến các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên của Việt Nam và Hoa Kỳ trong những năm tới; những vấn đề hai bên có tiềm năng hợp tác như: Nghiên cứu và phát triển lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, các chính sách đang thực thi và hoạt động nghiên cứu trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo; nâng cao năng lực cho giáo dục, nghiên cứu và đổi mới trong lĩnh vực giáo dục STEM...

banbientap