Theo đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lãnh đạo Chính phủ phê duyệt đề xuất Dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai, vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) do UBND Thành phố Hà Nội là cơ quan chủ quản.

Theo đề xuất của UBND Thành phố Hà Nội, tuyến đường sắt số 3 (tuyến 3.2), đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai có chiều dài 8,786km hầu hết đi ngầm (đi ngầm 8,13km, còn lại là hầm hở dẫn và đi trên mặt đất), dọc theo các tuyến phố Trần Hưng Đạo, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu và Tam Trinh.

Tuyến đường sắt sẽ đi qua các nút giao thông lớn như Ô Đống Mác (Vành đai 1) và Mai Động (Vành đai 2), kết thúc sau Vành đai 3. Toàn tuyến sẽ có 7 ga ngầm (Hàng Bài, Trần Thánh Tông, Kim Ngưu, Mai Động, Tân Mai, Tam Trinh, Yên Sở) và 1 khu lập tàu tại khu vực sát trạm bơm Yên Sở.

 

Tổng mức đầu tư dự án dự kiến 40.570 tỷ đồng, tương đương khoảng 1.752 tỷ USD, trong đó vốn vay ADB là 801 triệu USD, KfW 258 triệu USD, AFD 198 triệu USD, vốn đối ứng 494 triệu USD, thực hiện đến năm 2029.

Với sự phát triển của đô thị, mật độ dân số tăng lên, quỹ đất dành cho giao thông ngày càng hạn hẹp. Do vậy, các tuyến đường sắt đô thị đi ngầm là phương án tối ưu để giải quyết các vấn đề giao thông nan giải của Thủ đô.

Hiện tại, đoạn tuyến đường sắt đô thị số 3 (3.1) - đoạn Nhổn – ga Hà Nội đang trong quá trình xây dựng và dự kiến sẽ đi vào vận hành vào năm 2027.

Việc đưa vào hoạt động đoạn tuyến 3.2 (ga Hà Nội - Hoàng Mai) sau đó sẽ hoàn thiện trục đường sắt Nhổn – ga Hà Nội - Hoàng Mai, góp phần giải quyết nhu cầu đi lại trên trục Đông – Tây của Thủ đô, đồng thời thu hút một lượng lớn hành khách.

Uyên Nguyễn