Hành trình về bản

Cứ mỗi buổi sáng đầu tuần thầy Trương Văn Dũng quê ở xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình lại có một cuộc hành trình hơn 70km để đến điểm trường tại bản Zìn Zìn của trường Phổ thông Dân tộc bán trú tiểu học Trường Sơn, xã Trường Sơn, Huyện Quảng Ninh (Quảng Bình).

Hẹn thầy Dũng tại thành phố Đồng Hới, gặp thầy trên chiếc xe máy với một chiếc ba lô lớn, bọc kính nilon, sau xe buộc một giỏ chất đầy nhu yếu phẩm (gạo, muối, cá khô…), trên hai chiếc xe máy từ thành phố Đồng Hới chúng tôi đi theo con đường Hồ Chí Minh nhánh Tây để đến với bản Zìn Zìn, đi khoảng 1 tiếng đồng hồ băng qua những con đường núi, với những đoạn đường hiểm trở, chúng tôi nghỉ chân tại một chốt kiểm lâm gần cầu Zìn Zìn.

Thầy Dũng nhắc xe qua ngầm tràn khi nước suối lên cao 

Từ đây vào tới bản khoảng hơn 5km nữa, đoạn đường này còn một đoạn dài chưa được trải nhựa hay bê tông nên đường rất khó đi, tôi và thầy Dũng phải vượt qua 2 ngầm tràn, theo lời kể của  thầy thì chuyến đi này của tôi hôm nay khá may mắn, tuy tối hôm trước có mưa, nhưng mưa không to, nước chỉ đến đầu gối, và có thể đi xe máy qua được; để tiện di chuyển qua những đoạn suối này người ta gắn những khối đá hộc to trong những lưới B40 trải lên lòng suối, làm ngầm tràn, nhưng lâu ngày sau những trận mưa lớn và theo thời gian những lưới B40 bị đứt, nên đi qua các đoạn ngầm tràn này, chúng tôi phải vượt qua những hòn đá trơn trượt và lởm chởm những que sắt của lưới B40 có thể khiến chân người bị thương và lốp xe bị hư hỏng bất cứ lúc nào.

Con đường bằng đất để đi vào bản trước đã rất khó đi nay lại bị những xe vận chuyển thu mua sắn của dân bản để tránh bị trơn trượt, họ buộc xích sắt vào bánh xe khi di chuyển, khiến đường bị hư hại nghiêm trọng, trên mặt đường là những vết hằn sâu của những chiếc bánh xe, cộng thêm trận mưa hôm qua đã làm con đường lầy lội và khó đi hơn bội phần, tôi và thầy Dũng phải đi rất cẩn thận men theo rìa đường cố gắng để tránh bị trượt ngã, bởi lẽ một bên đường là vực núi sâu, hoang vu ít người qua lại...

Sau một lúc phải rất chật vật chúng tôi mới vào được bản.

 Xe của thầy Dũng được người dân và các chiến sĩ bộ đội Đồn Biên phong Làng Mô khiêng qua đập tràn trên con đường vào bản Zìn Zìn.

70km là chặng đường khó khăn với nhiều người nhưng là hành trình đi làm quá đỗi bình thường với thầy Dũng bao năm qua, chặng đường xa, hiểm trở nên một tuần thầy chỉ về nhà một lần còn khoảng thời gian còn lại là thầy cắm bản, được biết thêm hơn 26 năm công tác thầy đã dạy hầu hết các điểm trường tại các bản khó khăn nằm trên sườn của dãy Trường Sơn.

Từ bản Sắt, bản Ploang hiểm trở, đến vượt sông Long đại để đến dạy ở bản Nước Đắng, Hôi Rấy...nơi đâu cũng có những dấu chân và tiếng giảng bài của thầy.

Có một người thầy ở bản Zìn Zìn

Nằm sát đường biên giới, điểm trường bản Zìn Zìn nơi thầy Dũng đang giảng dạy là bản người Bru-Vân Kiều, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, ở đây không có sóng điện thoại, không có điện dùng cho sinh hoạt và học tập…

Tại điểm trường này có 2 thầy đó là thầy Trương Văn Dũng và thầy Lê Văn Tư phụ trách giảng dạy cho 20 học sinh, từ lớp 1 đến lớp 5.

Gọi là điểm trường nhưng thực tế điểm trường chưa có lớp chính thức mà phải mượn nhà văn hóa của bản, đây cũng là nơi dạy học và nơi sinh hoạt ăn, ở của hai thầy.

Khó khăn và khác biệt là như vậy nên việc dạy và học ở đây cũng khác so với dưới miền xuôi.

Thầy Dũng khó khăn vượt qua những con đường lầy lội, trơn trượt để vào bản. 

Thầy Dũng cho biết, việc đầu tiên của các thầy khi đến đây sau khi cất hành lý, tư trang là phải đi gọi học sinh đến lớp, đôi khi lớp học không đủ vì các em bận cùng gia đình đi nương rẫy hoặc đi chơi trong rừng nên phải nhờ người trong bản gọi về.

Trong quá trình dạy học thì cần kiên nhẫn truyền đạt cho học sinh, theo thầy Dũng thì các em người dân tộc Bru-Vân Kiều khả năng tiếp thu không nhanh bằng học sinh dưới miền xuôi, nên nên việc truyền đạt phải thật ngắn gọn dễ hiểu, phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần để các em nhớ, và để các em theo kịp chương trình thì việc đến tận nhà các em vào buổi tối để phụ đạo thêm cho các em là việc làm thường xuyên.

Việc soạn giáo án cần phải suy nghĩ tìm ra những cách dạy cụ thể cho từng đối tượng học sinh, bởi tại điểm trường này mỗi thầy lại phụ trách 2 đến 3 trình độ, như thầy Lê Văn Tư phụ trách các em học sinh lớp 1 và lớp 2, còn thầy Trương Văn Dũng lại phụ trách các học sinh từ lớp 3 đến lớp 5, nên mỗi nhóm học sinh lại có các cách dạy khác nhau, giáo án khác nhau, mục tiêu là để các em nắm được kiến thức các thầy truyền đạt.

Các em ở đây được các cấp quan tâm hỗ trợ sách giáo khoa, vở và đồ dùng học tập thì được các đoàn thiện nguyện cho, tặng. Để các em có thêm đồ dùng học tập, vật dụng các nhân thầy Dũng còn phải tự bỏ tiền túi mua thêm để động viên các em đến trường. Thầy cho biết thêm một điều quan trọng của việc dạy học nơi đây là cần phải tự học để biết tiếng của người Bru-Vân Kiều thì việc truyền đạt, giảng dạy cho các cháu cách đánh vần, viết chữ mới được dễ dàng hơn.

Để việc dạy học thuận lợi thì thầy giáo ở nơi đây cũng cần phải tạo được thiện cảm với người dân.

 Thầy Dũng hướng dẫn học sinh trong một buổi dạy

Theo thầy Dũng việc này là vô cùng quan trọng, bởi lẽ người dân có quý mình thì họ mới cho con họ theo mình học, tạo điều kiện để việc học diễn ra thuận lợi, có khó khăn thì mình mới nhờ họ giúp đỡ, như những đợt mưa lần trước, mưa to nước suối lên cao mình không vào bản dạy được phải nhờ những người trong bản và các anh bộ đội Đồn Biên phòng làng Mô ra để giúp đỡ khiêng xe qua ngầm tràn mới vào được bản, thầy Dũng tâm sự. 

Gắn bó với mảnh đất xã Trường Sơn này từ năm 1995, nhớ lại những ngày đầu vô cùng khó khan.

Thầy Dũng bộc bạch, năm 1995 muốn lên xã trung tâm Xã Trường Sơn phải đi thuyền ngược dòng sông Long Đại mà lên, mỗi lần đi và về phải đi nhờ thuyền của người dân hoặc thuyền buôn; thời đó dạy học ở xã Trường Sơn này gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn cơ sở vật chất, đồ dùng dạy học, sách vở, đi lại khó khăn, tiền lương cũng rất ít, nghĩ lại nhiều người vì chịu không được khó khăn mà đã phải bỏ nghề, chuyển sang nghề khác, nhưng mình đã trót chọn cái nghề này, nhà cũng có bố mẹ theo nghề dạy học nên cố gắng theo nghề cho đến nay.

Được biết vợ thầy Dũng cũng là giáo viên, cô cũng đã gắn bó và dạy học ở xã Trường Sơn hơn 10 năm, thầy và cô quen biết nhau và nên duyên vợ chồng năm 1997, hiện cô đang dạy học trường Tiểu học xã Xuân Ninh.

Dạy học tại những điểm trường xa xôi cách trở, là những ngày tháng thầy Dũng gắn bó cùng ăn, cùng ở với người dân,.

 Hạnh phúc nhỏ ở bản Zìn Zìn

Với 26 năm nhiều hoài niệm, thầy Dũng kể lại: Tôi đã gắn bó với xã Trường Sơn này lúc 19-20 tuổi, sau khi tốt nghiệp trường Trung cấp Sư phạm Quảng Bình là tôi lên đây dạy, dành cả tuổi thanh xuân cho nơi đây, và có những trải nghiệm không bao giờ quên được, có nhiều lần sau khi tôi đang đi về nhà vào dịp cuối tuần, đi giữa đường gặp mưa lớn, đoạn đường tôi đi lọt giữa hai ngầm tràn qua suối, nước lên nhanh, dâng cao, chảy xiết nên không đi về được, trở lại bản cũng không xong, ở các bản miền núi không có sóng điện thoại không gọi người giúp đỡ được, tôi đành phải đành phải ngủ lại rừng qua đêm chờ nước rút mới về được.

Hay vào 20/11 hàng năm giáo viên ở dưới miền xuôi hay được các học sinh, phụ huynh tặng cho những món quà, đóa hoa tươi thắm, nhưng tại các điểm trường ở những bản xa xôi này thì người dân nơi đây dân trí còn thấp nên ít người biết Ngày Nhà giáo Việt Nam là ngày gì?

Nên ít khi được quan tâm lắm! có chăng chỉ có một số phụ huynh, học sinh biết thì họ tặng thầy ít hoa rừng, hay tặng thầy những bức tranh mà học sinh vẽ…

Cống hiến những gì đẹp nhất của tuổi trẻ cho những đứa trẻ vùng cao xã Trường sơn, thầy Trương Văn Dũng luôn vừa dạy vừa học vừa nâng cao trình độ và thầy Dũng là giáo viên dạy giỏi nhiều năm liền và là tấm gương trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh của trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Trường Sơn.

Hành trình mang con chữ cho những học sinh nơi đây vẫn tiếp tục, Thầy Dũng hy vọng khi có con chữ, có kiến thức sẽ là hành trang giúp những đứa trẻ ở đây tạo dựng một tương lai mới tươi sáng hơn cho bản thân và bản làng các em .

Đặng Xuân Hiếu