Gánh nặng “lạm thu”

Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền thông tin phản ánh của phụ huynh có con học tại một trường tiểu học ở Thanh Trì, Hà Nội về việc "phụ huynh muốn lắp điều hòa cho con thì phải cam kết tặng lại nhà trường, nếu không tặng thì không được lắp". 

Hay ít ngày trước, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin về việc mua bán đồng phục của một trường trung học phổ thông ở  Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh. 

Theo đó, phụ huynh phản ảnh, nhân viên của trường yêu cầu: "Balo phải là balo đồng phục, balo không có logo trường bảo vệ không cho vào. Đồng phục phải mua theo đơn vị bộ, không được mua lẻ áo, quần, váy...". 

Sau đó, các hiệu trưởng nhà trường kể trên đều lên tiếng bác bỏ, khẳng định không chỉ đạo, không phát ngôn, không yêu cầu hay bắt buộc các nội dung như thông tin trên mạng xã hội nêu.

Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những quy định rõ về các khoản thu trong nhà trường, thế nhưng, tình trạng này như căn bệnh mãn tính, có suy giảm, nhưng không khỏi hoàn toàn.

Thực tế có nhiều trường buộc phải thu một số khoản để bù đắp vào các khoản mà Nhà nước chưa thể đầu tư hết cho giáo dục. 

Khi ngân sách Nhà nước hạn chế, việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. 

Bởi giáo dục là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Với tâm lý "muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy", nhiều phụ huynh tự nguyện chung tay với nhà trường để có thể tạo ra một môi trường giáo dục tốt nhất cho con em mình. 

Mọi việc sẽ không trở thành nỗi lăn tăn của nhiều bậc cha mẹ nếu các khoản phụ thu chính đáng và phù hợp với khả năng đóng góp của các gia đình.

Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu đúng và làm đúng về xã hội hóa trong giáo dục dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp, gây bức xúc xã hội. 

Trách nhiệm lớn nhất là của người đứng đầu cơ sở giáo dục (hiệu trưởng) để xảy ra lạm thu, tiếp đến là trách nhiệm giám sát của ngành giáo dục, của cơ quan chức năng, của ban phụ huynh học sinh.

Nhiều vụ việc lạm thu đều dưới danh nghĩa xã hội hóa, ép phụ huynh tự nguyện qua ban đại diện cha mẹ học sinh, nhà trường chỉ tiếp nhận tài trợ.

Nhiều trường hợp ban phụ huynh học sinh cũng không thực hiện đúng vai trò, trở thành "cánh tay nối dài" giúp nhà trường thu thêm nhiều khoản không hợp lý, ngoài quy định.

Dù thế nào, lạm thu tạo thêm áp lực, gánh nặng cho gia đình học sinh, nhất là gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn hoặc ở các trường vùng cao, vùng sâu, vùng khó khăn. 

Vấn đề này làm xấu đi hình ảnh môi trường giáo dục, vốn đề cao sự nêu gương. Giáo dục đổi mới thì quản lý giáo dục cũng phải thay đổi – bắt đầu từ hiệu trưởng, từ tư duy quản lý cho đến hành động, sự nêu gương... 

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết, Hội đồng Nhân dân các tỉnh, thành phố đều ban hành danh mục các khoản được phép thu trong nhà trường, trong đó quy định rõ ràng, khoản nào được phép thu và thu tối đa là bao nhiêu nhưng vẫn xảy ra hiện tượng lạm thu gây bức xúc trong dư luận.

"Nguyên nhân do chúng ta quản lý chưa chặt, chưa nghiêm; Thứ hai, bản thân phụ huynh không nắm rõ danh mục các khoản được phép thu và không được phép thu nên khi nhà trường phát động phụ huynh cứ đóng góp mà không rõ khoản nào mình không phải nộp”, bà Nga phân tích.

 Khoản thu của một trường Trung học Phổ thông tại Hải Dương khiến phụ huynh choáng váng

Tránh lạm thu dưới mọi hình thức

Để tránh hiện tượng lạm thu đầu năm tại các trường học hiện nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, với khối giáo dục phổ thông, Bộ đã ban hành đầy đủ văn bản, thông tư hướng dẫn về vấn đề này.

“Điều quan trọng là các địa phương, các trường phổ thông phải tăng cường thanh tra, kiểm tra để tránh hiện tượng lạm thu dưới mọi hình thức. Tiến tới mọi khoản thu không dùng tiền mặt, qua đó sẽ khắc phục một phần vấn đề này” – ông Sơn nói.

Đối với khối các trường đại học, cao đẳng, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cho biết, Bộ  Giáo dục và Đào tạokhông quản lý trực tiếp tài chính của từng trường, chỉ quy định cơ chế thu, quản lý học phí.

Tuy nhiên, các trường đại học khi có những khoản thu khác theo dịch vụ phải công bố công khai, minh bạch với người học, phải đúng quy định pháp luật. 

Các cơ quan quản lý trực tiếp các nhà trường có chức năng thanh tra, kiểm tra việc này.

Riêng với các trường đại học trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra.

Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rất rõ về công khai minh bạch, đặc biệt trong tuyển sinh, công khai các khoản thu cho năm học thứ nhất và cả khóa học, trường nào không thực hiện đúng cam kết này thì sẽ xử lý.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ rằng Bộ rất mong báo chí có thông tin kịp thời nếu phát hiện trường nào có khoản thu trái pháp luật hoặc không công khai minh bạch. 

Vũ Ninh