Các chuyên gia nhận định rằng tình trạng bỏ bê, thiếu sự giao tiếp và chăm sóc phù hợp trong giai đoạn đầu đời của trẻ sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển về thể chất, tâm lý và nhận thức của trẻ. Điều này không chỉ xảy ra ở Mỹ mà cũng đang trở thành vấn đề đáng lo ngại tại Việt Nam.
Thông tin này được đưa ra trong buổi giao lưu, giới thiệu sách “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó - Ngăn ngừa và chữa lành sang chấn tâm lý ở trẻ em - từ gia đình đến xã hội”.
Sự kiện diễn ra vào sáng 17/08 tại Đường sách TP.HCM với sự tham dự của các khách mời: Ts.Nguyễn Đức Nhật - Nhà Tham vấn và Giám sát Lâm sàng, Ths. Đào Thị Thu Hương - Bác sĩ Nội trú, Chuyên khoa Tâm thần Nhi, Ths. Nguyễn Tú Anh - Nhà thực hành Tâm lý trong lĩnh vực Trẻ em & Làm Cha mẹ.
|
Diễn giả chia sẻ các vấn đề liên quan đến sang chấn tâm lý ở trẻ |
Hiểu đúng về sang chấn tâm lý ở trẻ em
Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng trẻ em không biết gì, do đó, những sự kiện xảy đến với các em sẽ chóng qua.
Thế nhưng, các chuyên gia đã chỉ ra rằng, những trải nghiệm tiêu cực trong thời thơ ấu như bị bỏ bê, lạm dụng, bạo lực… có thể ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của các em trong tương lai.
Trong buổi giao lưu, các chuyên gia cũng cho biết, vào những năm đầu đời, não bộ của trẻ phát triển rất nhanh. Do vậy, nếu không nhận được những sự chăm sóc và tương tác phù hợp, trẻ có thể gặp nhiều vấn đề về nhận thức, hành vi và sức khỏe về sau.
|
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Thị Thu Hương tại buổi chia sẻ |
Thạc sĩ, bác sĩ Đào Thị Thu Hương chia sẻ: “Hiện nay phụ huynh đã quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe tinh thần của trẻ em. Và thực tế ở nhiều bệnh viện cũng đang đẩy mạnh những nghiên cứu cùng các chương trình hợp tác với nước ngoài liên quan đến vấn đề sức khỏe tinh thần của trẻ em.
Tuy nhiên mức độ quan tâm cũng chỉ dừng lại các lĩnh vực rối loạn phát triển thần kinh, ví dụ tăng động giảm chú ý, tự kỷ hoặc là các rối loạn về cảm xúc như lo âu, trầm cảm… chứ chưa thực sự chú ý nhiều đến các vấn đề sang chấn tâm lý ở trẻ em.
Thật sự khi tiếp xúc nhiều với trẻ em thì ngoài những biểu hiện như lo âu, trầm cảm, hay những hành vi thách thức, chống đối thì ẩn sâu bên trong đó vẫn là những vấn đề mà chúng ta chưa chạm được tới.
Đó là những vấn đề về bạo lực học đường, cho đến những vấn đề tưởng chừng như rất nhỏ thôi nhưng nó cứ xảy ra hàng ngày, lặp đi lặp lại, nó có những ảnh hưởng một cách kinh khủng đến những hành vi và cảm xúc của trẻ em”.
|
Thạc sĩ Tú Anh chia sẻ về những câu chuyện trong quá trình làm việc |
Còn với thạc sĩ Tú Anh, cô chia sẻ trong quá trình làm việc đã gặp rất nhiều trường hợp trẻ em gặp sang chấn. Thậm chí có những ca tưởng như bình thường nhưng qua nhiều tuần nhiều tháng thì sự thật mới được bóc tách ra.
Cô nói: “Giống như bóc một củ hành, đến ngày bóc tách ra được thì mới thấy là đứa trẻ này đã trải qua rất nhiều sang chấn tâm lý. Những gì mà đứa trẻ trải qua có thể là bị bạo hành từ chính cha mẹ của mình, mà chính họ cũng không biết hành động đó là bạo hành.
Hoặc có thể đứa trẻ bị bỏ bê về mặt cảm xúc do cha mẹ vô tình. Khi đọc quyển sách “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó”, tôi nhận ra những trường hợp này không chỉ xảy ra ở Mỹ mà còn xảy ra hàng ngày, ngay trong công việc mà tôi đang làm”.
Đó cũng là lý do mà First News - Trí Việt và tiến sĩ Đức Nhật ròng rã hai năm trời thực hiện cuốn sách “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó” với hy vọng góp phần nâng cao nhận thức về tác động của sang chấn tâm lý ở trẻ em, cũng như kêu gọi sự quan tâm của phụ huynh, giáo viên, người làm công tác trẻ em... đối với sức khỏe tâm thần của trẻ em.
Đâu là phương pháp điều trị tốt nhất cho trẻ?
Tại sự kiện, các chuyên gia đã cùng nhau phân tích và mổ xẻ những trường hợp sang chấn tâm lý ở trẻ em. Đó không chỉ là những trường hợp đau lòng trong cuốn sách “Đứa trẻ được nuôi trong chuồng chó” mà còn là nhiều ca bệnh có thật đã được các chuyên gia thăm khám và điều trị.
Những trường hợp mà các chuyên gia đã đề cập đến cho thấy một thực tế rằng, không chỉ trẻ em mà cả cha mẹ cũng gặp nhiều khó khăn trong việc chăm sóc và nuôi dưỡng con cái.
Nhiều bậc cha mẹ không được chuẩn bị đầy đủ về kiến thức và kỹ năng chăm sóc trẻ, đặc biệt là trong giai đoạn đầu đời của trẻ.
Ngày nay, vì cuộc sống bận rộn, nhiều bậc phụ huynh cho trẻ sử dụng điện thoại thông minh để giải trí mà vô tình không biết việc này có thể ảnh hưởng như thế nào đến trẻ. Đây cũng là vấn đề được bạn đọc Anh Tú – sinh viên năm 2 trường đại học KHXH&NV – đặt ra cho các diễn giả.
Trước câu hỏi này, phần lớn các diễn giả đều cho rằng vấn đề không nằm ở thiết bị công nghệ mà là cách phụ huynh sử dụng nó để không gây hệ lụy cho trẻ.
Theo đó, để trẻ phát triển lành mạnh trong môi trường công nghệ, phụ huynh nên kiểm soát và cải thiện cách thức tương tác với con. Họ nên dành nhiều thời gian để chia sẻ, lắng nghe và cho trẻ thấy rằng mình luôn được quan tâm và yêu thương.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật:
“Những người xung quanh sẽ là hình mẫu, vòng tròn bảo vệ cho trẻ - nếu đó là những giao tiếp tôn trọng, yêu thương tích cực và nâng đỡ. Chúng ta không nhất thiết phải là những người hiểu rất sâu, học bằng nọ bằng kia để có thể làm việc với trẻ, mà chính sự tôn trọng, yêu thương như bác sĩ Perry đã nói rất rõ trong cuốn sách: Những mối quan hệ chất lượng mới là sự chữa lành.
Mọi phương pháp đều hướng đến một chuyện thôi, đó là làm sao gia tăng số lượng, cũng như chất lượng các mối quan hệ bao bọc trẻ, và đương nhiên, chúng ta cũng cần những hỗ trợ khác về mặt y khoa, hành vi, giáo dục… Nhưng nếu không có những mối quan hệ chất lượng thì mọi hỗ trợ kia đôi khi có thể trở thành vô nghĩa”.
|
Khán giả Ngân Đỗ đặt câu hỏi giao lưu |
Bên cạnh đó, tại buổi giao lưu, các diễn giả còn dành nhiều thời gian để giải đáp những câu hỏi liên quan đến việc chữa lành cho trẻ em gặp sang chấn.
Trong đó, có bạn đọc đặt câu hỏi về việc dùng thuốc trong điều trị cho trẻ em.
Trước vấn đề này, các diễn giả đều đồng ý rằng thuốc là một trong những thứ có thể giúp ích cho quá trình điều trị, nhưng chỉ sử dụng thuốc trong một số trường hợp cần thiết. Đồng thời, các diễn giả cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của liệu pháp tâm lý và tình yêu thương đối với trẻ em gặp sang chấn.
“Rất nhiều tổn thương bị gây ra bởi những mối quan hệ xung quanh và chỉ có những mối quan hệ tích cực, yêu thương mới là cách để chữa lành cho những vết thương do những mối quan hệ gây ra.
Vậy làm sao để chúng ta có thể tạo được những môi trường, những vòng tay, những mối quan hệ tích cực, không chỉ với trẻ mà còn với những người xung quanh.
Bởi vì như đã nói, người lớn cũng đã từng là những đứa trẻ, và có thể chúng ta cũng mang trong mình những tổn thương nhất định. Khi hiểu về chuyện đó, chúng ta sẽ có sự bao dung với xung quanh hơn, ý thức về vai trò của chúng ta cho thế hệ sau này” - tiến sĩ Nguyễn Đức Nhật đúc kết.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng việc chăm sóc trẻ em gặp sang chấn còn cần sự hợp tác của nhiều bên, bao gồm gia đình, nhân viên chăm sóc, bác sĩ, nhà tâm lý, giáo dục và cả cộng đồng...
Mấu chốt không nằm ở việc ngăn cản mọi sự tổn thương đến với trẻ mà là làm sao cho trẻ cảm nhận được sự yêu thương, chăm sóc, bảo vệ của mọi người. Đó là nền tảng cho mọi sự phát triển lành mạnh, dù cho trẻ có bị sang chấn hay là không.