Ngày 2/10/2023, Tạp chí điện tử Việt – Mỹ đăng tải bài viết: “Sợ hãi việc tuyển sinh, đào tạo y – dược tại trường Trung cấp Y tế Thái Nguyên”.

Theo đó Trường Trung cấp Y tế Thái Nguyên liên tục chiêu sinh, bổ sung vào các lớp Y – Dược đang học, có dấu hiệu buông lỏng quản lý, vi phạm quy chế.

Cụ thể, nhà trường liên tục tuyển sinh, ghép các lớp Y – Dược đã khai giảng từ tháng 4/2023.

Thí sinh chỉ cần đăng ký và gửi thông tin qua zalo cho nhân viên của nhà trường sẽ được bổ sung vào các lớp đang học.

Sau đó giáo viên sẽ gửi bài kiểm tra, học liệu các môn học đã qua để sinh viên chép và nộp bài là một cách để hợp thức việc quản lý đào tạo.

Điều này đặt ra câu hỏi: Chất lượng sinh viên sau khi tốt nghiệp của ngôi trường này như thế nào?

 Quản lý lớp trên Zalo (Ảnh: Học viên cung cấp)

Dựa theo phản ánh của học viên, trường Trung Cấp Y tế Thái Nguyên liên tục tổ chức đào tạo hệ trung cấp chính quy vào các ngày thứ 7, chủ nhật thông qua hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến.

Đối với hình thức trực tiếp, sinh viên sẽ được đào tạo tại trường xen kẽ một số buổi học tại cơ sở liên kết. 

Với hình thức học trực tuyến, sinh viên sẽ học và tương tác với giáo viên qua phần mềm Zoom. 

Hình thức học này mặc dù tiết kiệm thời gian và chi phí tổ chức cho nhà trường nhưng cũng đem đến nhiều bất cập, đặc biệt là đối với những chuyên ngành đòi hỏi thực tế, thực hành nhiều như khối ngành Y -  Dược. 

Chưa kể là phương tiện kết nối chưa được đồng bộ, không đảm bảo được chất lượng đường truyền. Theo quan sát, tại một số buổi học online, học viên phản ánh, việc quản lý lớp học bát nháo, không theo quy củ.

 Hình ảnh trong lớp trung cấp Y- Dược (Ảnh: Học viên cung cấp)

“Người ra, người vào học như chợ ấy ạ. Có những người học được 15-20 phút thì thoát ra khỏi lớp. Cũng có những người vừa lái xe, vừa học; thậm chí vừa chăm con vừa học. Nói chung đào tạo như thế này cũng khó mà đảm bảo chất lượng được”, một học viên chia sẻ.

Chưa kể với tình trạng ghép lớp, nhiều học viên thay vì học 12-18 tháng có thể rút ngắn thời gian học 1/3.

Lấy ví dụ có học viên đến tận cuối tháng 9/2023 vẫn có thể đăng ký và theo học các lớp đã khai giảng từ nửa năm trước. Đáng nói, tình trạng này có thể sẽ tiếp diễn nếu không có sự vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng.

Hiện nay, trường Trung cấp Y tế Thái Nguyên đang tuyển sinh và đào tạo 4 ngành nghề bao gồm: Y sĩ Y học Cổ truyền, Dược, Điều dưỡng, Y sỹ đa khoa. Trường cũng là cơ sở liên kết đào tạo với một số đơn vị là các trường Cao đẳng có chuyên môn đào tạo khối ngành Y – Dược. Trường đang tổ chức chiêu sinh trong phạm vi cả nước.

Theo quy định, sinh viên tốt nghiệp hệ Trung cấp Y – Dược có đủ điều kiện để có thể đứng bán ở cửa hàng thuốc; làm việc trong các nhà máy chuyên sản xuất thuốc hoặc thiết bị y tế; làm xét nghiệm trong các cơ sở xét nghiệm hoá chất, xét nghiệm thực phẩm…

Do vậy một số tư vấn viên tuyển sinh không ngần ngại “gợi ý” người học có thể đăng ký các lớp ghép đã khai giảng để tiết kiệm thời gian, sớm có bằng. Thậm chí tư vấn viên còn hỏi thẳng: Bạn chỉ cần bằng cấp để hợp thức hoá đúng không? Đây là một thực trạng đáng báo động và nhức nhối trong việc đào tạo khối ngành Trung cấp Y – Dược.

Việc tuyển sinh, bổ sung học viên diễn ra liên tục (Ảnh: Học viên cung cấp) 

Chị N.T.H, một nhân viên kinh doanh nhà thuốc cho biết, trước đây đào tạo ngành y - dược từ hệ trung cấp đến cao đẳng, đại học rất nghiêm ngặt, học viên phải điểm danh hàng ngày, đạt đủ số buổi theo quy định và thi kết thúc môn.

Do liên quan trực tiếp đến sức khoẻ con người nên ngành này chú trọng việc thực hành, sinh viên thường xuyên phải đi thực tế, nghiên cứu bào chế, hoạt chất thuốc. Nhiều môn học, sinh viên sẽ phải làm thực hành ở phòng thí nghiệm hoặc đi thực tập ở các bệnh viện.

“Hệ trung cấp y - dược phải mất 3 năm. Sau này hệ trung cấp hạ xuống thời gian 2 năm rồi 1,5 năm. Sau này hệ cao đẳng đào tạo y - dược một số trường giảm xuống từ 3 năm còn 2 năm nên chất lượng kém đi rất nhiều. Chính vì thế chất lượng đào tạo ngành Y – Dược hệ trung cấp, cao đẳng bị giảm sút rất nhiều”, chị H. nói.

Việc đào tạo online Trung cấp Y - Dược đặt ra nhiều dấu hỏi về chất lượng sinh viên sau khi ra trường. 

Một số chuyên gia, nhà quản lý cũng đã nhiều lần từng lên tiếng về việc bát nháo trong tuyển sinh, đào tạo ngành Y dược hệ Trung cấp, Cao đẳng, nhất là những trường nằm ngoài hệ thống đào tạo của Bộ Y tế.

Theo Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học FPT cho rằng phải xử lý thật nghiêm sai phạm này, chấn chỉnh lại hoạt động đào tạo khối ngành Y - Dược. 

"Lĩnh vực nào cũng có người tốt và người xấu nhưng vấn nạn không qua học hành, đào tạo, thực tập có bằng cấp trong khối y dược thì vô cùng nguy hiểm, bởi nó liên quan trực tiếp đến tính mạng con người. Việc một số trường cao đẳng tìm đủ mọi cách chèo kéo để có học viên đăng ký, nộp học phí nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ để lại hậu quả vô cùng tai hại", Tiến sĩ Lê Trường Tùng nhìn nhận.

Đăng ký qua Zalo, rất nhanh học viên có giấy báo nhập học (Ảnh: Học viên cung cấp) 

Tiến sĩ Lê Trường Tùng cũng nêu rõ, đào tạo khối ngành Y - Dược và sư phạm phải được coi là đào tạo tinh hoa. Tinh hoa từ chất lượng đào tạo đến việc làm, lương bổng, nhìn nhận của xã hội. Và đã là tinh hoa thì không được phép cẩu thả trong bất kỳ khâu nào, đặc biệt là khâu đào tạo.

Để chấn chỉnh đào tạo y- dược, theo Tiến Sĩ Lê Trường Tùng thì đào tạo hệ đại học hay cao đẳng, trung cấp thì vẫn cần kiểm soát kỹ chỉ tiêu tuyển sinh, điều kiện đầu vào và giám sát đầu ra. 

Cần quy định mức điều kiện đầu vào cao hơn các khối ngành khác, đầu ra phải đáp ứng được chuẩn đã có sẵn. 

Ví dụ trong khối ngành Y - Dược, trường phải có bệnh viện để sinh viên thực hành. Không thể để tồn tại trường đào tạo Y - Dược mà không có nổi phòng thí nghiệm cho sinh viên thực tập. 

Quảng Dương