Du lịch sinh thái đang là loại hình phát triển nhanh nhất trong ngành du lịch toàn cầu, với tốc độ tăng trưởng từ 20-34% mỗi năm. Đây là hình thức du lịch có trách nhiệm, giúp duy trì cân bằng giữa con người và thiên nhiên. Không chỉ mang lại nguồn thu kinh tế, du lịch sinh thái còn đóng góp vào bảo tồn môi trường tự nhiên, gìn giữ các giá trị văn hóa bản địa, đồng thời thúc đẩy sự phát triển bền vững cho cộng đồng địa phương.

Nhiều quốc gia trong khu vực, bao gồm Việt Nam, đã thiết lập hệ thống vườn quốc gia và các khu bảo tồn để khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, mang lại lợi ích kinh tế, bảo tồn và giáo dục.

Cát Bà, hòn đảo thuộc Hải Phòng, có đủ điều kiện để trở thành điểm du lịch sinh thái đẳng cấp. Với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích quốc gia đặc biệt, khu dự trữ sinh quyển thế giới, vườn quốc gia và khu bảo tồn biển, Cát Bà có thể trở thành “thiên đường du lịch xanh” hàng đầu ở Việt Nam và khu vực châu Á.

 Quần đảo Cát Bà gồm nhiều đảo lớn nhỏ, đẹp như bức tranh sơn thủy đời thực

Tuy nhiên, thách thức lớn mà đảo Cát Bà đang đối mặt là các vấn đề ô nhiễm như tiếng ồn, khói dầu từ phương tiện giao thông, và rác thải. Để phát triển bền vững và đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của du khách, địa phương cần đầu tư vào hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng du lịch hiện đại, có quy mô.

Việc sở hữu tuyến cáp treo Cát Hải - Phù Long và hệ thống xe điện tại khu vực trung tâm đã tạo nền tảng thuận lợi để xây dựng hạ tầng du lịch và kỹ thuật xanh cho đảo. Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Công Thung, nguyên Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Tài nguyên và Môi trường biển, cho biết: “Sử dụng cáp treo từ Cát Hải sang Cát Bà là một giải pháp hiệu quả, giúp giảm ô nhiễm môi trường và hạn chế phương tiện lên đảo. Tuy nhiên, cần mở thêm tuyến cáp treo từ Cát Hải đến trung tâm thị trấn Cát Bà để tăng tiện lợi cho du khách.”

Hiện nay, Cát Bà đang nỗ lực cải thiện tình trạng ô nhiễm thông qua việc triển khai các dự án nâng cấp hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại khu vực hồ Tùng Dinh và trung tâm đảo. Đồng thời, thu hút các nhà đầu tư lớn tham gia “xanh hóa” đảo ngọc, phát triển kinh tế du lịch biển một cách bài bản, gắn với bảo vệ môi trường xanh và xây dựng hệ tiện ích thông minh.

Nhiều quốc gia đã thành công trong phát triển du lịch sinh thái trên các đảo. Đảo Lamma (Hồng Kông) nổi tiếng là “hòn đảo không khói xe”, trong khi đảo Princes (Thổ Nhĩ Kỳ) cũng nói "không" với xe chạy bằng xăng. Đảo Tau thuộc Samoa đã chuyển sang sử dụng năng lượng mặt trời. Các đảo du lịch khác như Honolulu (Hawaii) và quốc đảo Dominica ở Caribbean đều đã thực hiện “xanh hóa” và đạt được nhiều thành công, thu hút đông đảo du khách quốc tế.

Minh Châu