Tham gia đoàn diễu hành là các lực lượng nghệ nhân thủ công, các nghệ sỹ trên lĩnh vực nghệ thuật dân gian, các em học sinh sinh viên...
 ...cùng các doanh nghiệp, lực lượng thanh niên, phụ nữ, và đại biểu các ban ngành đoàn thể, đại biểu các cơ quan ban ngành địa phương trên toàn địa bàn Thành phố Hội An. 
 Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hội An chia sẻ, gia nhập mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là điều kiện thuận lợi cho Hội An trong việc định vị thương hiệu, quảng bá hình ảnh trên tất cả các lĩnh vực văn hóa sáng tạo, góp phần thu hút đầu tư, tập trung các chương trình phát triển giáo dục và các sự kiện văn hóa, sáng tạo, nhằm phát triển bền vững.
 Phó Chủ tịch UBND TP Hội An cho biết, trong thời gian đến, thành phố Hội An sẽ xây dựng kế hoạch hành động cụ thể để thực hiện có hiệu quả các nội dung sáng kiến đề xuất trong hồ sơ. Đồng thời kết nối với các thành viên của mạng lưới để cũng nhau xây dựng, phát triển trên các lĩnh vực văn hóa sáng tạo.
 Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, Hội An sẽ xây dựng các cơ chế, chính sách, giải pháp tiếp tục chủ động mở rộng giao lưu, hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tôn tạo cảnh quan, bảo vệ môi trường. Tổ chức các sự kiện thường niên và nâng Hội An trở thành một điểm đến của các liên hoan thủ công, nghệ thuật dân gian cả nước và quốc tế.
 Trong 4 năm tới thành phố sẽ thúc đẩy phát triển hợp tác công - tư và các tổ chức xã hội nghề nghiệp, huy động sự tham gia sáng tạo của mọi thành viên trong cộng đồng (như người dân, nghệ nhân, nghệ sĩ, doanh nhân...). 
 Mở rộng hơn chương trình khởi nghiệp,  khuyến khích giới trẻ phát triển kỹ năng và sáng tạo, kêu gọi sáng kiến hỗ trợ sản xuất thủ công, kết hợp giữa bảo tồn và phát triển, đổi mới theo hướng xanh, có chất lượng, đa dạng hóa và tạo giá trị tăng thêm cho sản phẩm, bắt kịp xu hướng thiết kế sáng tạo tiên tiến.
 Đồng thời phát huy các nguồn lực hợp tác, thúc đẩy, thiết kế các dự án, mô hình, không gian sáng tạo nhằm bảo tồn và phát triển các nghề thủ công và nghệ thuật dân gian, góp phần thực hiện tốt quy hoạch chung của thành phố về phát triển bền vững.
 Các em học sinh vui tươi tham gia diễu hành trên các cung đường phố cổ Hội An, sáng 1/11.
 Hội An sẽ được mở rộng mối quan hệ, gia tăng các cơ hội hợp tác quốc tế, tiếp cận và tiếp thu kinh nghiệm, những giá trị tốt đẹp từ các chuyên gia quốc tế, UNESCO và các thành phố, quốc gia khác, để linh hoạt vận dụng vào mô hình phát triển riêng biệt của Hội An.
 Thủ công và Nghệ thuật dân gian là thế mạnh nổi trội và là lĩnh vực được Hội An bảo tồn và phát huy hiệu quả trong thời gian qua. 
 Thành phố hiện có 5 làng nghề truyền thống với gần 50 ngành nghề thủ công đang hoạt động sôi nổi có thể kể đến như: nghề mộc, nghề gốm, nghề làm đèn lồng, nghề làm tre dừa, may mặc, làm đồ da...
Trong đó có 03 làng nghề và 01 nghề truyền thống được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia và 02 làng nghề khác đang làm hồ sơ đề nghị công nhận.
Hệ sinh thái các làng nghề, cộng đồng làng nghề cùng các tập quán, sinh hoạt, tín ngưỡng lâu đời của cư dân địa phương đã góp phần truyền cảm hứng, hình thành và nuôi dưỡng sự phong phú và đa dạng của nhiều loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo như: hát bả trạo, hò khoan, hô hát bài chòi, thơ ca, hò vè, nghệ thuật hát Bội, múa nghi lễ, tạo hình dân gian … phản ánh chân thực, sinh động những đặc điểm văn hóa - xã hội của vùng đất và trở thành một phần thiết yếu trong đời sống tinh thần của người dân Hội An. 
 Trong đó phải kể đến Nghệ thuật Bài Chòi đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (2017).
 Thành phố hiện có tổng cộng 658 doanh nghiệp nhỏ và 1710 hộ kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian. Ước tính có khoảng 4000 người lao động trực tiếp có thu nhập trung bình 3500-4000 USD mỗi năm từ thủ công và nghệ thuật dân gian.
 Hội An còn là mảnh đất có sức hút mạnh mẽ và mang lại nguồn cảm hứng cho các chuyên gia, nhà sáng tạo, nghệ sĩ trong và ngoài nước đến sinh sống và sáng tác với đa dạng các loại hình, lĩnh vực sáng tạo cũng như chiều sâu và hàm lượng sáng tạo; làm cho thành phố thân yêu này thành một trong những không gian sáng tạo hấp dẫn của cả nước.
 Trở thành thành viên chính thức của Mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO có ý nghĩa quan trọng cho mục tiêu nâng cao vị thế, tạo dựng hình ảnh mới, hấp dẫn cho Hội An. Đồng thời, để thực hiện cam kết đối với Mạng lưới, Thành phố Hội An sẽ cụ thể hóa kế hoạch hành động thực hiện sáng kiến cũng như kết nối các chính sách của Thành phố nhằm thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa sáng tạo có liên quan.

Hoàng Linh