Ngày 15/12, Quỹ FASEP đã gửi điện thông báo về việc sẽ cung cấp tài trợ cho UBND Thành phố Hà Nội để nghiên cứu khả thi nhằm cải tạo Cầu Long Biên – chứng nhân lịch sử từ bao đời nay.

Khoản này đã được Pháp quyết định từ hôm 16/11/2023 và là tài trợ không hoàn lại.

 

Di sản Cầu Long Biên hiện đã xuống cấp trầm trọng (Ảnh: Kinhtedothi.vn)


 

Đây là công trình biểu tượng của di sản và cảnh quan đô thị Hà Nội, đồng thời là biểu tượng mạnh mẽ của mối liên kết độc đáo giữa hai nước.

Cây cầu “Paul-Doumer” cũ, theo phong cách Eiffel, được xây dựng từ năm 1898 đến năm 1903, đã bị hư hại nặng nề bởi những đợt ném bom của Mỹ năm 1967. Tuy nhiên, nhằm đảm bảo sự liên tục kết nối giữa Hà Nội và Hải Phòng, chính quyền Việt Nam sau đó đã phục hồi cây cầu.

Tổng thống Cộng hòa Pháp Jacques Chirac đã từng tuyên bố Pháp sẽ tài trợ cho việc cải tạo cầu Long Biên trong chuyến thăm Việt Nam vào năm 2004. Cũng kể từ đây, Pháp đã tài trợ cho nhiều nghiên cứu và các đoàn công tác của chuyên gia.

Tuy vậy, trong những năm gần đây, người dân Hà Nội một lần nữa bày tỏ mong muốn được thấy Pháp tham gia nhiều hơn nữa vào việc cải tạo cây cầu này.

Có thể nói, quyết định tài trợ cho nghiên cứu mới này trong kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Pháp và Việt Nam là một động thái vô cùng mạnh mẽ bởi nó có tác động và ý nghĩa tới nhiều mặt.

Hiện nghiên cứu được công ty tư vấn và kỹ thuật Artelia của Pháp tiến hành và do Tổng cục Kho bạc của Pháp tài trợ, được xây dựng để hạn chế tác động của việc cải tạo đối với giao thông đường bộ và đường sắt.

Cùng với việc lên kế hoạch thiết kế để thực hiện nhanh chóng, nghiên cứu này sẽ đề xuất một phương án cải tạo tương thích với mục đích sử dụng trong tương lai của cầu Long Biên, hiện đang được thảo luận giữa các cơ quan khác nhau của thành phố Hà Nội.

Trong những năm gần đây, khi tình trạng của cây cầu tiếp tục xuống cấp, phía Pháp hy vọng rằng công việc cải tạo có thể được tiến hành trong thời gian sớm nhất sau khi có kết luận của nghiên cứu.

Tham gia chặt chẽ vào dự án, Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) luôn sẵn sàng hỗ trợ các cơ quan của Hà Nội để thảo luận về việc cung cấp tài chính cho các công việc tiếp theo.

Liên quan tới việc tài trợ cho nghiên cứu khả thi, Đại sứ Pháp Olivier Brochet đã nói: “Chúng tôi hy vọng rằng nghiên cứu này và nhất là công việc cải tạo sau đó sẽ không chỉ giúp bảo đảm an toàn cho cây cầu mà còn biến công trình di sản mang tính biểu tượng trong lịch sử chung của chúng ta thành một địa danh phục vụ cho sự phát triển của thành phố Hà Nội”.

“Cầu Long Biên là một công trình nghệ thuật thiết yếu và đặc biệt mà chúng tôi hết sức vinh dự huy động tới kỹ năng chuyên môn của Tập đoàn Artelia (hoạt động gần 20 năm tại Việt Nam). Chúng tôi sẽ tìm ra những giải pháp cải tạo tốt nhất để phục vụ người dân Hà Nội và thuận lợi cho lưu thông bền vững”, Ông Eric Gratton, Giám đốc điều hành Artelia Việt Nam tuyên bố.

Phương Thảo