|
Một góc đô thị hiện đại ở Thành phố Hồ Chí Minh |
Việt Nam được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), một cơ quan độc lập ở Anh, dự báo có triển vọng sẽ vượt qua các nền kinh tế hàng đầu của khối các nước Đông Nam Á (ASEAN) vào khoảng năm 2038 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045, báo The Nation (Thái Lan) đưa tin ngày 14/3.
Dẫn số liệu mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), The Nation cho biết Tổng Sản phẩm Quốc nội (GDP) của Việt Nam trong năm 2023 ước tính đạt hơn 433 tỷ USD, đứng thứ 5 ở Đông Nam Á.
Với con số này, trong năm 2023, kinh tế Việt Nam đứng ngang hàng với Malaysia (cũng hơn 433 tỷ USD) và trên Myanmar (gần 75 tỷ USD), Campuchia (gần 31 tỷ USD), Brunei (hơn 15 tỷ USD), Lào (hơn 14 tỷ USD) và Đông Timor (2 tỷ USD).
The Nation trích dẫn thông tin của IMF đưa ra dự báo rằng đến cuối năm 2024, quy mô GDP của Việt Nam được dự báo đạt khoảng 469,67 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực, sau các quốc gia như Indonesia (1,54 nghìn tỷ USD), Thái Lan (543,35 tỷ USD), Singapore (520,97 tỷ USD) và Philippines (475,94 tỷ USD).
Với quy mô GDP hơn 430 tỷ USD trong năm ngoái, Việt Nam là nền kinh tế lớn thứ 35 trên thế giới.
Mặc dù vậy, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR) đánh giá rằng thứ hạng kinh tế của Việt Nam có thể tăng nhanh trong tương lai. Cụ thể, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 24 trên thế giới vào năm 2033, với quy mô nền kinh tế là 1,05 nghìn tỷ USD, vẫn theo các bản tin của The Nation.
Đến năm 2038, với GDP dự kiến đạt 1,56 nghìn tỷ USD, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 21, vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan (hơn 1,31 nghìn tỷ USD), Singapore (896 tỷ USD), Philippines (hơn 1,53 nghìn tỷ USD), như vậy, Việt Nam sẽ bước vào nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo CEBR, với lợi thế dân số đông và trẻ, Việt Nam có cơ hội vượt qua hầu hết các nước ASEAN về kinh tế, kể cả Singapore, Thái Lan và Malaysia, để trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
CEBR cũng dự báo tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm của Việt Nam sẽ là 6,7% trong giai đoạn 2024-2028. Trong 9 năm tiếp theo, tốc độ tăng trưởng trung bình sẽ là 6,4%.
Trong khu vực ASEAN, bên cạnh Việt Nam, Philippines cũng được đánh giá là quốc gia có tốc độ tăng trưởng ấn tượng, có thể đạt vị trí thứ 23 vào năm 2038. Việt Nam và Philippines được kỳ vọng sẽ cải thiện thứ hạng nhờ việc hai nước này có vị trí mới trong chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như do họ tiến hành các cải cách trong nước, tăng năng suất lao động và đầu tư công và tư, theo CEBR.