Theo Cục Thống kê Lao động, số lượng công nhân Mỹ trên thị trường lao động trên 75 tuổi dự kiến sẽ tăng gần gấp đôi trong thập kỷ tới, điều này sẽ tạo ra một cuộc khủng hoảng hưu trí trong tương lai gần.
Người Mỹ có ba phương thức tiết kiệm hưu trí, gồm các chương trình hưu trí tư nhân, quyền lợi từ chương trình An sinh Xã hội của Chính phủ và các quỹ hưu trí như 401(k).
|
Các chính trị gia đang cảnh báo nước Mỹ đang tiến tới một cuộc khủng hoảng về hưu. Ảnh: CNN |
Các chương trình hưu trí tư nhân gần như đã biến mất. Vào khoảng giữa những năm 1980, khoảng 50% người lao động trong khu vực tư nhân được hưởng quyền lợi từ các chương trình hưu trí như vậy, nhưng tới năm 2022, tỷ lệ này chỉ còn khoảng 15%.
Trong khi đó, chi trả từ chương trình An sinh Xã hội hiện vẫn chiếm khoảng 90% thu nhập của hơn 25% người về hưu tại Mỹ - theo một khảo sát của Sở An sinh Xã hội Mỹ. Tuy nhiên, các quỹ tín thác An sinh Xã hội của Mỹ được dự báo sẽ cạn kiệt nguồn vốn vào giữa thập niên 2030, đồng nghĩa chỉ một bộ phận người hưu trí được trả lương hưu. Các nhà làm luật tại Mỹ nhiều thập kỷ qua vẫn chưa tìm được cách tháo gỡ khó khăn cho các quỹ này.
Chương trình còn lại là 401(k), hiện có sự tham gia của khoảng 68% người lao động trong khu vực kinh tế tư nhân. Theo ông Larry Fink, CEO của công ty quản lý đầu tư BlackRock, tăng khả năng tiếp cận các chương trình như 401(k) có thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng hưu trí tại Mỹ.
Tuy nhiên, theo dữ liệu từ trang Bankrate, chỉ khoảng 44% người trưởng thành Mỹ có khả năng chi trả một khoản tiền khẩn cấp trên 1.000 USD từ tiền tiết kiệm của mình, chưa nói tới việc tiết kiệm để về hưu.
Lạm phát cao, tiền tiết kiệm từ đại dịch Covid-19 dần cạn đồng nghĩa ngày càng nhiều người Mỹ rơi vào cảnh thiếu tiền. Do đó, nhiều người đã rút tiền trước hạn từ tài khoản hưu trí 401(k) để giải quyết khó khăn tài chính dù phải chịu khoản phí phạt rút trước hạn lớn – theo một khảo sát gần đây của công ty quản lý đầu tư Vanguard.
Bà Jamie, một bà mẹ đơn thân 54 tuổi hiện là trợ lý hành chính ở bang Texas, đã phải tìm đến tài khoản hưu trí 401(k) của mình để trang trải cuộc sống cho bản thân và con trai hai lần. Lần đầu là ngay sau khi bà sinh con, khi đó bà đang làm một công việc không có chính sách thai sản. Ngay sau khi trở về nhà từ bệnh viện cùng con trai mới sinh, Jamie nhận được thư từ công ty nói rằng họ sẽ không giữ vị trí công việc của bà trong thời gian bà nghỉ sinh.
“Tôi đã thất nghiệp, trong khi bố của con tôi không ở cạnh và cũng không thể giúp đỡ. Đó là lần đầu tiên tôi phải dùng đến tài khoản 401(k) để trang trải cuộc sống trong khi tìm kiếm một công việc khác”, bà Jamie chia sẻ.
Lần thứ hai là vài năm sau đó khi bà tiếp tục thất nghiệp và cần tiền để trả chi phí sinh hoạt, chuyển chỗ ở và trả nợ thẻ tín dụng.
Chia sẻ với CNN, bà cho biết hiện vẫn đang tiếp tục “kiếm được đồng nào tiêu sạch đồng đấy” và chỉ còn lại khoảng 15.000 USD trong tài khoản 401(k).
“Đó là tất cả những gì tôi có”, bà nói. “Số tiền đó chắc chắn không đủ, nhưng tôi không thể làm gì lúc này”.
Hồi tháng 12 năm 2022, chính quyền ông Biden đã ký ban hành đạo luật SECURE 2.0 để khuyến khích giới sử dụng lao động cung cấp cho nhân viên và công nhân tiền hưu bổng và bỏ bớt các rào cản để cho nhân viên được tự do để dành tiền bạc. Cuối năm ngoái, chính quyền Biden đã đưa ra dự luật giới hạn bớt chi phí thừa thãi trong các công cuộc đầu tư vào quỹ tiết kiệm lúc về hưu của nhân viên và công nhân.
Tháng trước, Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders đã lên tiếng báo động khi ông đứng đầu một ủy ban nghiên cứu về vấn đề hưu bổng của người dân Mỹ. Vị thượng nghị sĩ ghi nhận rằng chừng một phần tư người Mỹ cao niên hiện đang sinh sống với mức lương hưu dưới $15,000 một năm. Ông Sanders lập luận rằng các công ty và xí nghiệp phải tái lập các kế hoạch hưu bổng để giúp đỡ thiết thực cho nhân viên và công nhân của họ.