Các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ có cuộc họp về chính sách lãi suất vào ngày 30/4 và 1/5 tới. Lãi suất của Mỹ hiện vẫn neo cao ở mức 5,25-5,5% kể từ tháng 7 năm ngoái.

Vào đầu năm nay, các thị trường tài chính suy đoán việc đổi chiều chính sách tiền tệ với đợt cắt giảm lãi suất đầu tiên của Fed diễn ra vào tháng 3. Thế nhưng, các chỉ số kinh tế của Mỹ lại đi ngược với kỳ vọng này. 

Chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE), một thước đo lạm phát quan trọng đối với Fed vẫn tăng 3,4% trong quý I, trong khi tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) chậm lại, ở mức 1,6%. Các chỉ số của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy lạm phát vẫn cao hơn đáng kể so với mục tiêu 2% mà Fed đang đặt ra. 

Điều này đã khiến thị trường nghĩ rằng Fed sẽ kéo dài thời gian giảm lãi suất sang tháng 9. 

 Những dấu hiệu tích cực từ nền kinh tế Mỹ khiến FED có thể không cắt giảm lãi suất trong năm nay

Một số còn bi quan hơn và cho rằng lạm phát dai dẳng đang đe dọa khả năng "hạ cánh mềm" của kinh tế Mỹ. 

Fed duy trì lãi suất dao động 5,25 - 5,5% từ tháng 7/2023. Họ đã tăng lãi suất chính sách lên 525 điểm cơ bản từ tháng 3/2022. Thị trường tài chính Mỹ ban đầu dự kiến đợt cắt giảm đầu tiên của Fed sẽ diễn ra vào tháng 3. Kỳ vọng đó bị đẩy lùi sang tháng 6, rồi tháng 9.

Trong kịch bản xấu, Fed thậm chí phải tính đến việc tăng lãi suất trong tương lai gần.

Đầu tháng này, Thống đốc Fed Michelle Bowman cho biết bà sẽ ủng hộ việc tăng lãi suất "nếu lạm phát tiến triển chậm lại hoặc đảo ngược".

Vậy lạm phát tại Mỹ đang cao hơn châu Âu? Thực tế, mức cao hơn về con số chủ yếu do khác biệt cách tính toán. 

Tại Mỹ, PCE và CPI đều tính đến chỉ số chi phí nhà ở của chủ sở hữu, nhằm theo dõi lạm phát triên thị trường bất động sản.

Nó gồm các khoản chi phí liên quan đến sở hữu và sử dụng nhà như tiền thuê, bảo dưỡng, bảo hiểm. Tỷ trọng của chỉ số này trong rổ tính lần lượt là 13% và 32%.