|
Bà Yellen tới thăm Nhà máy Chuyển đổi Lithium của Mỹ ở Antofagasta, Chile ngày 2/3/2024. Ảnh: Reuters |
Ngày 13/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhận định nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ không rơi vào tình trạng lạm phát kèm suy thoái, nhấn mạnh hầu hết các nhà dự báo đều kỳ vọng lạm phát sẽ hạ nhiệt trong bối cảnh chi phí nhà ở giảm.
Phát biểu trên được bà Yellen đưa ra sau khi giám đốc điều hành công ty dịch vụ tài chính JPMorgan Chase, Jamie Dimon để ngỏ khả năng xảy ra tình trạng lạm phát kèm suy thoái - chỉ tình trạng nền kinh tế tăng trưởng chậm hoặc đình trệ đi kèm với giá cả gia tăng.
Trả lời phỏng vấn hãng Fox Business, Bộ trưởng Yellen cho rằng chi phí nhà ở là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng lạm phát trên. Mặc dù sẽ mất nhiều thời gian để thay đổi các biện pháp chống lạm phát, song bà vẫn kỳ vọng chi phí nhà ở sẽ giảm trong năm nay, qua đó sẽ giúp giảm bớt áp lực về giá cả. Bà nhấn mạnh: "Ở nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, giá thuê các căn hộ mới nhìn chung đã thực sự giảm".
Trước đó, Bộ Lao động Mỹ cho biết Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ trong tháng 2 bất ngờ tăng 0,4% so với tháng trước đó và tăng 3,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Các chỉ số này đều cao hơn dự báo của giới phân tích và cao hơn tháng 1.
Trong khi lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm và năng lượng) tăng 0,4% so với tháng trước đó và tăng 3,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Các nhà phân tích dự đoán Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Ngân hàng trung ương - Fed) sẽ chú ý đến lạm phát cơ bản khi quyết định thời điểm tốt nhất để bắt đầu giảm lãi suất.
Để hạn chế tình trạng giá hàng hóa tăng và đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%, Fed đã liên tục tăng lãi suất kể từ năm 2022, trước khi giữ lãi suất cao nhất trong hơn hai thập kỷ tại các cuộc họp gần đây. Fed đã có 11 đợt tăng lãi suất với tổng trị giá 5,25 điểm phần trăm, nâng lãi suất chuẩn lên khoảng 5,25-5,50% và giữ nguyên mức lãi suất này kể từ tháng 7/2023.
Ngọc Ánh/ Theo AFP