Chúng ta đều biết 2024 là năm bầu cử tổng thống tại Hoa Kỳ. Ai sẽ là người đảm bảo cho kỳ bầu cử diễn ra êm đẹp?
Ngày Bầu cử rơi vào Thứ Ba, ngày 5 tháng 11 trên khắp nước Mỹ, nhưng mỗi tiểu bang sẽ quản lý hoạt động bầu cử riêng của địa phương mình. Đây là một hoạt động thực hành dân chủ quy mô với sự tham gia của hơn 10,000 cơ quan địa phương của Hoa Kỳ theo nhiều cách thức khác nhau. Cả thế giới sẽ đổ dồn sự chú ý vào Đại Cử tri Đoàn, những người sẽ chọn ra người trúng cử trong kỳ tranh cử tổng thống, nhưng đây không phải cuộc bầu cử duy nhất diễn ra trong năm 2024. Có hàng trăm vòng tranh cử để bầu ra Hạ Nghị sĩ, Thượng Nghị sĩ, thống đốc, và các cơ quan lập pháp tiểu bang trên toàn quốc.
Đại Cử tri Đoàn hoạt động ra sao? Đây là nội dung còn khá khó hiểu, kể cả với người Mỹ.
Lý giải đơn giản nhất là: khi công dân Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống, họ sẽ quyết định các cử tri trong Đại Cử tri Đoàn tiểu bang mình sẽ bỏ phiếu theo hướng nào. Các cử tri này theo đó sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên giành được nhiều lá phiếu nhất ở tiểu bang mình (ngoại trừ Maine và Nebraska, nơi số phiếu bầu được tính theo tỷ lệ lá phiếu mà mỗi ứng viên giành được). Số phiếu bầu của mỗi tiểu bang được quyết định bởi tổng số Hạ nghị sĩ và Thượng nghị sĩ của tiểu bang đó. Những tiểu bang đông dân hơn sẽ có nhiều phiếu bầu hơn.
Rốt cuộc tại sao lại cần phải có Đại Cử tri Đoàn?
Đại Cử tri Đoàn là kết quả của những thỏa hiệp mà các tiểu bang thống nhất đưa ra trong những ngày đầu của nền dân chủ Hoa Kỳ. Các lãnh đạo phía Nam e sợ rằng những tiểu bang đông dân phía Bắc sẽ có quá nhiều quyền lực bầu cử và đe dọa đến các mối quan tâm lợi ích của họ, chẳng hạn như việc duy trì thể chế nô lệ. Những người khác thì lo ngại rằng hầu hết cử tri không có đủ thông tin hoặc trình độ học vấn để chọn ra tổng thống – đây là câu chuyện diễn ra từ rất lâu trước khi Internet ra đời, và hầu hết cử tri đều có học vấn thấp. Việc bầu cử tổng thống một cách gián tiếp thông qua Đại Cử tri Đoàn là giải pháp giúp các thủ lĩnh chính trị lúc bấy giờ tìm được tiếng nói chung.
Nguo |
Bà Christina T. Lê, Trưởng Phòng Chính trị, Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh
|
Nhưng Hiến pháp Hoa Kỳ đã được soạn thảo từ cuối những năm 1700. Tại sao tới nay Đại Cử tri Đoàn vẫn tồn tại?
Đại Cử tri Đoàn là minh chứng cho thấy nền dân chủ Hoa Kỳ được xây nên từ thỏa hiệp. Muốn thay đổi nó phải điều chỉnh Hiến pháp, mà điều này chỉ diễn ra nếu có sự đồng thuận của hai phần ba thành viên Hạ viện và Thượng viện, và ba phần tư thành viên của toàn bộ các cơ quan lập pháp tiểu bang. Đây là một mức đồng thuận rất cao!
Nói vậy không có nghĩa mọi thứ sẽ không thể khác đi trong tương lai. Xin nhớ cho, chỉ sáu phần trăm người Mỹ có quyền bầu cử trong kỳ bầu cử đầu tiên ở Hoa Kỳ. Phụ nữ mãi tới năm 1920 mới giành được quyền bỏ phiếu. Người Mỹ gốc Á cũng phải tới năm 1965 mới nhận được đầy đủ các quyền bầu cử. Tôi không nghĩ có ai lại định nghĩa những điều này bằng hai chữ "công bằng.” Nền dân chủ luôn trong quá trình hoàn thiện, nhưng điểm mạnh lớn nhất của nền dân chủ là việc người dân có khả năng điều chỉnh hệ thống dân chủ sao cho phù hợp với thời đại.
Gian lận bầu cử có phải một vấn đề lớn hay không?
Từ trước tới nay chỉ có rất ít trường hợp được xác định là gian lận bầu cử, chủ yếu nhờ vào sự minh bạch của các cuộc bầu cử Hoa Kỳ. Các nhà báo độc lập được quyền truy cập toàn bộ thông tin về các ứng cử viên, các viên chức tuyển cử tiểu bang, và các điểm bỏ phiếu. Mỗi cơ quan bầu cử tiểu bang đều thông báo công khai tổng số phiếu vào Ngày Bầu cử. Các danh sách đăng ký cử tri được cẩn thận đối chiếu với các danh sách của những tiểu bang khác để đảm bảo không ai bỏ phiếu quá một lần.
Dù vậy, các cơ quan tiểu bang và liên bang vẫn hết mực xem trọng những cáo buộc gian lận bầu cử. Sau kỳ bầu cử năm 2020, đã có nhiều cuộc nhiều tra diễn ra ở nhiều tiểu bang, tuy nhiên không hề có bất kỳ bằng chứng nào về vấn đề gian lận được tìm thấy. Đây là điểm hết sức đáng chú ý, nhất là khi vào năm 2020 có đến hơn 155 triệu người Mỹ tham gia bỏ phiếu – một mức cao kỷ lục.
Điều gì sẽ xảy ra nếu một ứng cử viên không chấp nhận kết quả bầu cử?
Quá trình chuyển giao quyền lực trong hòa bình vẫn luôn là một điểm sáng của nền dân chủ Hoa Kỳ. Đương nhiên vẫn có một số trường hợp ngoại lệ đáng lưu ý xuyên suốt lịch sử Hoa Kỳ, trong đó có đợt tấn công Tòa Quốc hội Hoa Kỳ vào tháng Một năm 2021. Tuy vậy, đây chỉ là những sự việc riêng lẻ và không đại diện cho đại đa số người Mỹ tham gia và chấp nhận kết quả bầu cử một cách hòa bình.
Bản thân là người Mỹ gốc Việt, bà nhìn nhận ra sao về tầm quan trọng của người Mỹ gốc Việt so với các nhóm dân số khác trong các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ?
Người Mỹ gốc Việt là một trong những nhóm dân số phát triển nhanh nhất ở Hoa Kỳ, tập trung ở các tiểu bang trọng yếu như California và Texas, hai nhóm phiếu lớn nhất trong Đại Cử tri Đoàn, cũng như những “tiểu bang dễ thay đổi” như Georgia, nơi có những cuộc tranh cử sát sao nhất và nơi các ứng cử viên từ cả hai đảng lớn đều tin rằng mình có thể trúng cử. Điều này đồng nghĩa với việc tất cả các ứng cử viên, nhất là những người tranh cử ghế Quốc hội và vị trí trong các cơ quan lập pháp tiểu bang, phải đặc biệt lưu tâm chú ý đến các vấn đề mà người Mỹ gốc Việt quan tâm tới.
Thường thì người Mỹ gốc Việt có bỏ phiếu giống nhau hay không?
Người Mỹ gốc Việt phản ánh sự đa dạng về quan điểm chính trị ở Hoa Kỳ. Tương tự các cộng đồng khác ở Hoa Kỳ, cộng đồng người Mỹ gốc Việt không phải một cấu trúc đơn sắc. Các cuộc trưng cầu dân ý gần đây cho thấy người Mỹ gốc Việt tương đối khác biệt về quan điểm ủng hộ hai chính đảng. Trong nội bộ cộng đồng người Mỹ gốc Việt tồn tại nhiều khác biệt về niềm tin chính trị theo các yếu tố như tuổi tác và địa lý. Theo quan điểm của tôi, điều còn quan trọng hơn câu hỏi người Mỹ gốc Việt bỏ phiếu theo hướng nào là việc giúp mọi người đều có thể tiếp cận và tham gia vào quá trình bầu cử.
Bà có dụng ý gì khi nói hai chữ “tham gia”?
Việc tham gia vào nền dân chủ của chúng ta bao hàm nhiều ý nghĩa hơn bản thân hành động bỏ phiếu bầu. Đó là việc cùng chung tay trong quy trình dân chủ sao cho mọi quan điểm đều hiện diện trong luật pháp và các chính sách của chúng ta. Đó có thể là việc góp mặt trong các buổi tiếp xúc cử tri địa phương để tìm hiểu các vấn đề có tác động trực tiếp tới cộng đồng nơi mình sinh sống, hoặc việc gửi thư trình bày các quan ngại tới người đại diện của mình ở Quốc hội. Đó cũng có thể là việc giúp đỡ các thành viên khác trong cộng đồng khi họ gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin ứng cử viên hoặc thông tin bầu cử. Những hành động tưởng chừng nhỏ nhặt có thể mang tới tác động lớn lao, chẳng hạn như việc dịch văn bản đăng ký bầu cử từ tiếng Anh sang tiếng Việt hoặc giúp đỡ người lớn tuổi đến các điểm bỏ phiếu vào Ngày Bầu cử. Các tổ chức cấp cơ sở, phi đảng phái như Tổ chức Bầu cử Châu Á Thái Bình Dương (APIAVote) dành hết tâm huyết huy động hình thức kết nối dân sự này và giúp đỡ người Mỹ gốc Việt cũng như các cộng đồng khác hiểu rõ những quyền lợi dân chủ cơ bản của mình ở Hoa Kỳ.
Bản thân khái niệm dân chủ đã bao hàm sự tham gia của các cá nhân. Ngay cả công dân Hoa Kỳ đang sinh sống ở nước ngoài cũng có thể tham gia, và nên tham gia. Gửi tới hàng ngàn công dân Hoa Kỳ đang sinh sống Việt Nam, tôi khuyến khích quý vị thực hiện đầy đủ quyền công dân được quy định bởi Hiến pháp bằng cách đảm bảo rằng quý vị đã đăng ký bỏ phiếu và góp tiếng nói trong kỳ bầu cử 2024. Mỗi lá phiếu đều quan trọng!