Những cuộc bầu cử gần đây trên thế giới đã cho thấy khi các chiến dịch tranh cử đang đến gần - dù là giữa các ứng cử viên hay giữa hai phe trong một cuộc trưng cầu dân ý - thì sự tham gia của công dân ở nước ngoài có thể có tác động đặc biệt đến kết quả. 

Các quy định pháp luật cho phép bỏ phiếu ở nước ngoài và cơ chế thực hiện chính sách này có thể khác nhau đáng kể tùy theo quốc gia. Trên toàn thế giới, có ít nhất 151 quốc gia cho phép công dân của họ sinh sống ở nước ngoài tham gia bầu cử. Có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ không cho phép bỏ phiếu dưới bất kỳ hình thức nào từ nước ngoài. 

Đối với công dân Hoa Kỳ, quyền bầu cử được pháp luật bảo vệ và duy trì bất kể công dân đó đã rời khỏi Hoa Kỳ bao lâu. Đạo luật bỏ phiếu vắng mặt của Quân đội và Công dân ở nước ngoài năm 1986 yêu cầu tất cả các tiểu bang và vùng lãnh thổ hỗ trợ cho công dân Hoa Kỳ tại nước ngoài có phương tiện để bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử liên bang. Thêm vào đó, 38 tiểu bang, cùng với Quận Columbia, đã quyết định cho phép ngay cả những công dân Hoa Kỳ chưa từng cư trú tại Hoa Kỳ vẫn có quyền bầu cử. Năm vừa qua, Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam đã xử lý hơn 1,100 Giấy Báo sinh Lãnh sự Ngoài nước (CRBA) cho trẻ em là công dân Hoa Kỳ sinh ra tại đây. Chính các em nhỏ này một ngày nào đó sẽ giúp đất nước lựa chọn vị Tổng thống Hoa Kỳ kế nhiệm. 

Mỗi tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ Hoa Kỳ tự chủ động xác định thủ tục và thời hạn đăng ký cử tri và nộp phiếu bầu ở tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ của mình. Cử tri ở nước ngoài phải tuân thủ đầy đủ các quy định cụ thể tại địa điểm bỏ phiếu theo chỉ định để thực hiện quyền cơ bản này. Do đó, việc chưa nắm rõ quy trình có thể gây nên rào cản. Hiện có khoảng 2.8 triệu công dân Hoa Kỳ tại nước ngoài có thể bỏ phiếu. Tuy nhiên, rất ít người thực hiện được. Trong tổng dân số đủ điều kiện bỏ phiếu từ nước ngoài, chỉ có 3,4% công dân Hoa Kỳ ở nước ngoài tiến hành bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022. Đối với Phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Việt Nam, việc chia sẻ tư liệu và thông tin về chính sách bỏ phiếu bầu cử ngoài nước là một trong những ưu tiên cao nhất trong công tác lãnh sự của chúng tôi.  

 

Mọi tiếng nói đều quan trọng. Dân chủ không đơn thuần chỉ là một khái niệm trừu tượng; dân chủ là một hành động hữu hình, mang sức mạnh tập thể. Bỏ phiếu là cách chúng ta đứng lên bảo vệ niềm tin của mình và buộc các nhà lãnh đạo phải chịu trách nhiệm trong cương vị họ đảm trách. Việc bỏ phiếu tác động đến các quyết sách, luật pháp và góp phần quan trọng trong định hướng của đất nước. Mỗi lần bỏ phiếu, chúng ta tái khẳng định cam kết của bản thân đối với các lý tưởng và quyết sách mang tính dân chủ. 

Công dân Hoa Kỳ ở nước ngoài có góc nhìn độc đáo khác biệt hình thành từ những trải nghiệm của họ trong các nền văn hóa và xã hội đa dạng; tiếng nói của họ và các chân giá trị mà họ theo đuổi chính là những thành tố bổ sung quan trọng cho cuộc đối thoại mang tầm quốc gia về các vấn đề cần được ưu tiên, trong cả đối nội và đối ngoại. Công dân Hoa Kỳ có thể bỏ phiếu bầu cử từ Việt Nam. Và chúng tôi ở đây để sẵn sàng giúp sức. 

Công dân Hoa Kỳ bầu cử từ ngoài nước như thế nào 

Bỏ phiếu từ nước ngoài dễ dàng hơn quý vị nghĩ, nhờ có các nguồn lực và dịch vụ do Chương trình Hỗ trợ Bầu cử Liên bang (FVAP) cung cấp. Dưới đây là hướng dẫn từng bước dành cho công dân Hoa Kỳ bỏ phiếu từ Việt Nam:  

1.     Đăng ký bỏ phiếu: Nếu quý vị vẫn chưa đăng ký bỏ phiếu, hãy nhanh chóng thực hiện bước này ở tiểu bang của quý vị. Quý vị có thể tiến hành bằng cách hoàn thành Đơn xin Thẻ Bưu chính Liên bang (FPCA) trên trang web FVAP.gov. Hãy nhớ gửi Đơn FPCA của quý vị kịp thời trước khi diễn ra bầu cử để đảm bảo đơn của quý vị được xử lý. Nếu quý vị là công dân Hoa Kỳ thường trú dài hạn ở nước ngoài, xin lưu ý quý vị phải hoàn thành và nộp Đơn FPCA hàng năm. 

2.     Nhận lá phiếu của quý vị: Sau khi đăng ký của quý vị được xác nhận, quý vị sẽ nhận được lá phiếu vắng mặt của mình qua thư điện tử, fax hoặc bưu chính, tùy thuộc vào lựa chọn của quý vị và quy định của tiểu bang. Hãy chú ý theo dõi thông tin liên lạc từ văn phòng bầu cử địa phương của quý vị. 

3.     Bỏ phiếu: Điền vào lá phiếu vắng mặt của quý vị theo hướng dẫn được cung cấp. Thực hiện đầy đủ các thông tin hướng dẫn cách đánh dấu, niêm phong và gửi lại lá phiếu của quý vị để đảm bảo tính hợp lệ của lá phiếu.  

4.     Gửi lại lá phiếu của quý vị: Gửi lại lá phiếu đã hoàn thành của quý vị cho văn phòng bầu cử địa phương trước thời hạn quy định. Quý vị có thể thực hiện bước này bằng cách fax hoặc qua hệ thống điện tử theo hướng dẫn của một số tiểu bang. Quý vị cũng có thể gửi lại lá phiếu giấy của mình qua đường bưu điện, bằng cách gửi thư đến địa chỉ được chỉ định bởi tiểu bang của quý vị HOẶC bằng cách đến trực tiếp Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội hoặc Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Thành phố Hồ Chí Minh, một trong hai cơ quan này có thể gửi lá phiếu của quý vị đến địa chỉ văn phòng bầu cử địa phương của quý vị bằng đường thư tín ngoại giao. Nếu quý vị chọn cách gửi lá phiếu trực tiếp qua đường bưu điện, trước hết hãy xem kỹ các quy định của tiểu bang quý vị - quý vị có thể gọi điện hoặc gửi email cho văn phòng bầu cử địa phương để hiểu rõ hơn các yêu cầu từ tiểu bang của quý vị. Một số tiểu bang cấm hình thức gửi phiếu bầu thông qua các hãng vận chuyển tư nhân (như FedEx, DHL, UPS, v.v…). 

Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ, Thành phố Hồ Chí Minh